Ủy nhiệm thu (UNT) cho UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp thu một số khoản thuế trên địa bàn là nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trong việc tăng cường khai thác và quản lý tốt một số khoản thuế; gắn thu ngân sách với nhu cầu chi; chống thất thu để tăng thu, đáp ứng nhu cầu chi ngày càng tăng.
Từ năm 2005, Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án UNT một số khoản thuế, gồm thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế nhà đất; phí và lệ phí thuộc xã, phường, thị trấn quản lý. Theo quy định của cơ chế UNT thì các chi cục thuế trực tiếp ký hợp đồng UNT thuế với UBND cấp xã; UBND cấp xã phối hợp với chi cục thuế tuyển chọn người làm công tác thu thuế theo hướng ưu tiên những người làm UNT thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất trước đây.
Đội ngũ cán bộ làm công tác UNT thuế chủ yếu cũng được tuyển chọn từ các trường chuyên môn về tài chính hoặc ngân hàng; có phẩm chất đạo đức; không có tiền án tiền sự; không mắc các tệ nạn xã hội. Nhưng đội ngũ này đều chỉ có trình độ trung cấp. Hàng năm, các chi cục thuế cũng có tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ UNT; tại các đội thuế, cán bộ thuế đều có hướng dẫn nghiệp vụ và có sự kiểm tra giám sát. Qua khảo sát ở một số xã và đội thuế, chúng tôi đều nhận được những ý kiến đánh giá chung về đội ngũ cán bộ UNT thuế là: có tinh thần, trách nhiệm với công việc; không gây sách nhiễu dân; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với số thu năm sau cao hơn năm trước; quản lý tốt các nguồn thu và diện hộ.
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã
Ông Lê Duy Tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đồng Hỷ cũng cho biết: cán bộ UNT thuế trên địa bàn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao với số thu năm sau cao hơn năm trước. Ông Dương Minh An, phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang (thị xã Sông Công) khẳng định: xã có 1 cán bộ UNT thuế, bình quân thu ngân sách các khoản theo quy định được 14 triệu đồng/tháng (chưa kể thuế môn bài 23 triệu đồng) và cũng luôn hoàn thành kế hoạch thu được giao.
Mặc dù, theo Đề án UNT, cán bộ UNT được thu tới 4 khoản thuế, phí và lệ phí, nhưng thực tế, thuế nông nghiệp đã được miễn giảm; phí và lệ phí thu không đáng kể; thu thuế nhà đất cũng chỉ một năm có 1 lần. Như vậy, khoản thu chủ yếu là ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Theo cơ chế quy định mức lương của cán bộ UNT thì: ở xã có số hộ kinh doanh cố định từ 201 hộ trở xuống mức trích chi là 10%; từ 201 hộ đến 400 hộ, mức trích chi là 7%; từ 401 hộ trở lên mức trích chi là 5%; đối với số thu của các hộ kinh doanh vãng lai mức trích chi là 5% (mức này cũng đã điều chỉnh). Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy: ở những địa bàn có đông hộ kinh doanh, tính tổng cộng tỷ lệ trích các khoản thu thì mức lương của cán bộ UNT còn tương đối (ví như ở Đội thuế phường Quang Trung, TPTN và xã Tân Quang (thị xã Sông Công) bình quân từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. Nhưng ở những địa bàn nông thôn, miền núi, vùng cao, hộ kinh doanh không đáng kể (khoảng vài chục hộ đến 100 hộ), mức thuế thấp (bình quân từ 30 đến 50 nghìn đồng/hộ/tháng), mặc dù được trích chi tỷ lệ cao hơn nhưng mức lương của cán bộ UNT vẫn rất thấp (ở xã Hóa Trung và thị trấn Sông Cầu- Đồng Hỷ), sau khi cộng tất cả các khoản được trích tỷ lệ cũng chỉ đạt mức lương 300 nghìn đồng/người/tháng; cán bộ UNT ở xã Khe Mo đạt mức khá hơn cũng ở mức cao nhất đạt trên 500 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài mức lương “khiêm tốn” trên, cán bộ UNT không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội. Đã thế, nhiều nơi lại ký hợp đồng làm việc với thời hạn rất ngắn như UBND phường Quang Trung (TPTN) chỉ ký hợp đồng làm việc trong 3 tháng; nhiều hơn là xã Hóa Trung, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); Tân Quang (Sông Công) ký hợp đồng với cán bộ UNT thuế trong 1 năm. Chính vì lương thấp, không có chế độ gì nên cán bộ UNT không yên tâm với công việc. Có nơi như xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) đã phải thay thế đến 4 lần cán bộ UNT thuế từ năm 2005 đến nay.Trong khi đó, UBND xã phải có chính sách hỗ trợ thêm cho cán bộ UNT từ nguồn ngân sách 200 nghìn đồng/người/tháng mới “giữ chân” được người thứ 4 yên tâm làm việc được gần một năm nay.
Mặc dù ngành Thuế chưa có số liệu tổng hợp chung, nhưng qua khảo sát ở một số xã đại diện cho từng khu vực, có thể thấy: việc thực hiện Đề án UNT một số khoản thu đã và đang phát huy hiệu quả tốt và đạt được những yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, về mặt chế độ đối với cán bộ UNT trong thời điểm hiện tại là chưa đáp ứng cuộc sống tối thiểu. Đó là chưa kể cán bộ UNT còn không có công tác phí, chi phí đi lại cao, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng sa, miền núi; không được ký hợp đồng lâu dài. Ông Đào Mạnh Tuấn, cán bộ UNT ở Đội thuế phường Quang Trung, Chi cục Thuế TPTN cho biết: ở thành phố, hộ kinh doanh đông, nguồn thu lớn nên mức lương cũng khá hơn so với khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao. Song tính chất công việc nhiều khi cũng rất phức tạp, vì có những hộ kinh doanh cũng không dễ đồng tình, nếu không khôn khéo cũng dễ nguy hiểm đến tính mạng; hàng ngày phải đi lại nhiều. Trong khi đó, hợp đồng làm việc chỉ ký trong 3 tháng, bảo hiểm không có, nhiều khi cũng không yên tâm với công việc. Chúng tôi rất mong các cấp liên quan, quan tâm đến chế độ bảo hiểm cho cán bộ UNT để bù đắp phần nào nếu xảy ra chuyện rủi ro, hoặc khi về hưu cũng được hưởng bảo hiểm lúc tuổi già.
Số thu ngân sách của cán bộ UNT ngày càng tăng cao, tiền lương của cán bộ công nhân viên chức nhà nước cũng đã tăng, trong khi đó, mức lương của cán bộ UNT không thay đổi (năm 2005 mức lương từ 300 đến 500 nghìn đồng có thể đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng thời điểm hiện tại không thể đáp ứng được), lại không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; việc ký hợp đồng ngắn hạn ở một số nơi là những lý do không “giữ được chân” cán bộ UNT thuế. Đây là những vấn đề các cấp chính quyền cần quan tâm giải quyết; hoặc ngành Thuế cũng nên có kiến nghị với cấp trên điều chỉnh tỷ lệ trích chi các khoản thuế cho phù hợp ở một số khu vực nhằm tạo điều kiện cho cán bộ UNT làm việc hết trách nhiệm, yên tâm với công việc và với những người có tín nhiệm được cống hiến lâu dài trong ngành thuế, nếu nghỉ công tác sẽ có cơ hội được hưởng chế độ.