Cần tổ chức kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép ở Thần Sa

08:30, 02/03/2009

Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn ở Thần Sa, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã bước đầu vào cuộc. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra nhằm lập lại trật tự trong quản lý và khai thác vàng ở Thần Sa còn chưa sát thực. Huyện Võ Nhai và Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức các đoàn vào hiện trường kiểm tra, nhưng hầu hết đều không đến được tận nơi.

Theo ông Trần Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Thái Nguyên thì khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin ông mới biết tình hình khai thác vàng trái phép ở Thần Sa diễn ra từ tháng 10 năm ngoái và mức độ ngày càng lớn như vậy. Ngày 27/02, ông đã dẫn đầu đoàn công tác của Sở đến thực tế ở Thần Sa, tuy nhiên do trời mưa, đường trơn nên "rất tiếc" đoàn của ông đã không đến được điểm nóng Xuyên Sơn, Tân Kim, Bản Ná… mà chỉ đến kiểm tra tại địa điểm sông Thần Sa và khu vực Mái đá Ngườm, nơi có một tầu cuốc và một máy xúc đang lợi dụng khai thác cát sỏi để tuyển, đãi vàng. Cũng vì thế, khi chúng tôi trao đổi về tình hình khai thác vàng trái phép ở Xuyên Sơn, Tâm Kim, Bản Ná… ông hầu như không nắm được nhiều. Ông hứa trong tuần này, dù thời tiết khó khăn đến mấy cũng phải vào tận nơi để cùng các cấp chính quyền bàn các giải pháp ngăn chặn.

 Cùng giống như Sở Tài nguyên - Môi trường, sáng ngày 27/02, ông Nông Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cùng đoàn công tác của huyện vào Thần Sa. Tuy nhiên, đoàn cũng chỉ mới đến được sông Thần Sa, Mái đá Ngườm mà chưa đến được "điểm nóng" Xuyên Sơn, Tâm Kim, Bản Ná vì một lẽ "thời tiết xấu không thể đi được bằng phương tiện cơ giới". Vì thế mà đến nay chưa thấy một động dạng mang tính quyết liệt nào của huyện Võ Nhai đối với nạn khai thác vàng trái phép ở Thần Sa!

 Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề quản lý Nhà nước về vật liệu nổ trên địa bàn bởi tại vùng vàng Thần Sa, hoạt động đánh mìn phá đá của các đối tượng khai thác trái phép là rất nhiều. Về vấn đề này, ông Hiển cho biết: Các đối tượng sử dụng mìn tuỳ tiện tại vùng vàng Thần Sa là bất hợp pháp và phải bị xử lý nghiêm. Nếu sử dụng với khối lượng lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc các cá nhân sử dụng vật liệu nổ trái phép, trách nhiệm xử lý thuộc về lực lượng công an. Sở Công thương chỉ quản lý Nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào sử dụng vật liệu nổ trong hoạt động sản xuất công nghiệp như khai thác khoáng sản chẳng hạn, chúng tôi sẽ thẩm định và trình tỉnh cấp phép. Các hoạt động liên quan đến vật liệu nổ của doanh nghiệp đó sau cấp phép sẽ do Sở kiểm tra, quả lý và xử lý nếu làm sai.

Đối với vấn đề này, ngày 27/02, UBND tỉnh đã có thông báo gửi các ngành chức năng và UBND huyện Võ Nhai về việc "Kiểm tra, xử lý, báo cáo tình hình hoạt động khoáng sản trái phép tại khu vực xã Thần Sa huyện Võ Nhai". Thông báo chỉ rõ: Sở Tài nguyên - Môi trường (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, các ngành liên quan và UBND huyện Võ Nhai tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản tại khu vực xã Thần Sa; có biện pháp ngăn chặn kịp thời hoạt động phá hoại tài nguyên, khai thác khoáng sản trái pháp luật; làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, các đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra các hoạt động xâm hại đến tài nguyên trong khu vực thuộc xã Thần Sa; trước ngày 10/03, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh…