Đây là lần thứ hai, Bộ GTVT đưa ra ý định quản lý hoạt động xe ôm. Năm 2002, vấn đề này lần đầu tiên được đề cập nhưng đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.
Thêm giấy phép con!
Theo dự thảo, đối với cá nhân hành nghề xe ôm, bên cạnh yêu cầu có giấy phép lái xe, bảo đảm sức khỏe, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, còn phải có đơn tham gia vận tải hành khách, hàng hóa và được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đối với tập thể, doanh nghiệp phải có giấy đăng ký kinh doanh ngành nghề theo quy định hoặc đơn đăng ký được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và hợp đồng lao động, quản lý lái xe.
Cơ quan có thẩm quyền ở đây là UBND xã, phường, nơi có bến tàu, bến xe, nhà ga là địa bàn của xe ôm hoạt động. Thời gian giải quyết đơn đăng ký của cá nhân là hai ngày sau khi nhận được đơn. Đơn được chấp thuận chỉ có hiệu lực trong vòng một năm đối với người có hộ khẩu thường trú, doanh nghiệp, HTX và 6 tháng đối với người có hộ khẩu tạm trú.
Thông tư cũng quy định lái xe ôm chỉ được đứng đón khách tại các điểm đỗ mà cơ quan chức năng công bố. Trường hợp ở một điểm đỗ công cộng có từ hai đơn vị hoạt động trở lên, cơ quan chức năng sẽ phân công khoanh vùng đón khách cho từng đơn vị. Trên cơ sở quy mô từng địa bàn, xe ôm sẽ được tổ chức thành các tổ, đội hoặc do doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tổ chức theo hình thức tự quản hoặc xã hội hóa. Từng tổ, đội này sẽ phải sử dụng phù hiệu hoặc mũ, đồng phục do Sở GTVT hướng dẫn.
Điểm rất đáng lưu ý là thông tư quy định các chủ thể đăng ký hoạt động phải chịu phí đăng ký, giá cước vận tải không quá giá trần quy định (nếu có) do UBND tỉnh, TP quy định.
Tăng thêm chi phí
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nếu dự thảo này được ban hành sẽ là một văn bản không hiệu lực và không hợp pháp.
Không hiệu lực vì hoạt động xe ôm là loại hình không cố định, không có bến bãi, điểm trả khách, đón khách thì không thể quản lý theo cách Bộ GTVT dự kiến. Như vậy, tại mỗi phường phải cử hẳn một nhân viên chuyên đi theo dõi, quản lý người chạy xe ôm.
Không hợp pháp, vì cấp bộ không có quyền đặt yêu cầu về giấy phép, thẩm quyền này là của Thủ tướng Chính phủ. Quy định đơn đăng ký hoạt động xe ôm như dự thảo thông tư chính là một loại giấy phép con, áp đặt điều kiện cho dân.
TS Nguyễn Đình Cung cũng tỏ ra lo lắng khi cho rằng tại thời điểm kinh tế khó khăn này, cơ quan quản lý không nên đưa ra những quy định không hợp pháp, không có hiệu lực, tác động không tốt đến lòng tin của người dân. Ông Cung cho rằng bất kỳ quy định nào của Nhà nước cũng phải bảo đảm mang lại lợi ích cho người dân thuộc đối tượng điều chỉnh và xã hội nói chung.
Chạy xe ôm thực chất là để mưu sinh chứ không phải một nghề có thu nhập ổn định. Với quy định này, người chạy xe ôm không những không được lợi ích gì mà còn bị tăng thêm gánh nặng mưu sinh không cần thiết.
Chỉ nên yêu cầu đăng ký
Một chuyên gia ngành giao thông bình luận hoạt động xe ôm hiện nay khá lộn xộn, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về mặt xã hội, trật tự an toàn giao thông. Do đó, đề ra các biện pháp quản lý là cần thiết.
Chẳng hạn, quy định những đơn vị, cá nhân vi phạm ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị đình chỉ hoạt động 3 tháng. Trường hợp tái phạm, bị thu hồi giấy cho phép hành nghề và đình chỉ hoạt động một năm...
Tuy nhiên, chỉ nên yêu cầu lái xe đi đăng ký kinh doanh như các loại hình kinh doanh khác, cơ quan Nhà nước không cần phải cấp phép cho xe ôm hoạt động như vận tải ô tô.