Chuyện ở xóm Ba Cống

08:55, 11/03/2009

Đến Ba Cống xã Tích Lương (T.P Thái Nguyên) hôm nay không còn cảnh đường làng, ngõ xóm sụt sùi bùn đất; nhà mái rạ, tường đất với leo lét ánh đèn dầu... Một Ba Cống có thể coi như vừa trải qua cuộc lột xác, trở thành một làng quê trù phú với 100% số hộ có nhà xây, có phương tiện nghe nhìn; đường trục chính của xóm được bê tông hóa, với 95% ngõ xóm đã có đường bê tông; 60% số hộ đạt mức thu nhập hơn 500 nghìn đồng/người/tháng; 9 hộ mua được ô tô vận tải; 4 hộ sắm được máy cày; liên tục từ năm 1999 đến nay, xóm Ba Cống được UBND thành phố công nhận đạt danh hiệu "Làng văn hóa".

Trên con đường bê tông phẳng phiu, ông Đặng Minh Thử, trưởng xóm đưa chúng tôi ra khu nhà văn hóa. Chẳng biết hò hẹn từ bao giờ, một số bà con đã có mặt ở đó đợi chúng tôi. Ông Thử cho biết: Tổng diện tích đất của khu nhà văn hóa xóm rộng hơn 2 nghìn m2. Toàn bộ diện tích đất này đều do nhân dân ủng hộ để bà con chòm xóm có nơi hội họp, vui chơi, giải trí. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Thế Ngọc, đảng viên 40 năm tuổi Đảng cho biết thêm: Năm 1999, khi xóm Ba Cống đăng ký tham gia với Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", khó khăn nhất là tiêu chí "có nhà văn hóa". Vậy là chi bộ họp, nhân dân bàn... đất để làm nhà văn hóa vẫn chưa có. Cân nhắc mãi, tôi quyết định hiến cho xóm 360 m2 đất. Ngay sau đó, gia đình ông Hoàng Văn Hà cũng tự nguyện hiến cho địa phương 360 m2 đất liền kề; 5 hộ khác có đất gần đó cũng tự nguyện đổi thửa ra chỗ khác. Đặc biệt, gia đình ông Tường Duy Nhị đã tự nguyện hiến hơn 400 m2 đất để làm nhà văn hóa…

 

Câu chuyện người dân xóm Ba Cống làm nhà văn hóa trở lên sôi nổi hơn. Ông Đồng Văn Tám, 70 tuổi, Phó Ban mặt trận Tổ quốc xóm cho biết: Khi có đất rồi thì những khó khăn khác lại nảy sinh. Vì đó là đất ruộng, xây nhà trên đất ruộng là vi phạm Luật Đất đai. Song nhân dân Ba Cống chúng tôi đã nhờ chính quyền xã giúp đỡ và làm được ngôi nhà văn hóa 4 gian, nền lát đá hoa, mái lợp ngói khang trang, toàn bộ 100% số tiền đều do nhân dân tự đóng góp.

 

Tôi chắc chắn: Xóm Ba Cống là một trong những xóm có diện tích đất làm khu nhà văn hóa rộng nhất của T.P Thái Nguyên. Nhưng để có được một khu nhà văn hóa rộng hơn 2 nghìn m2 như vậy, ông Đặng Minh Thử, trưởng xóm và những người tham gia phụ trách các đoàn thể ở đây đã biết hy sinh quyền lợi riêng, như thế mới tập hợp được sức dân, đất đai của dân. Vì bởi xóm Nà Cớm trước đây từ "chín người mười phương" hợp lại. Trong xóm có người làm ruộng, người làm cán bộ viên chức nên cách quản lý nhân khẩu rất đặc biệt. Ông Nguyễn Đức Lụa, chi hội trưởng người cao tuổi cho biết: Trong xóm, mọi người chung đường, cùng ngõ nhưng hộ sản xuất nông nghiệp do UBND xã Tích Lương quản lý; hộ công nhân viên chức (CNVC) và hộ phi nông nghiệp lại do UBND phường Tân Thành quản lý. Vậy là trên cùng địa bàn có 2 xóm, 2 chi bộ nên tình trạng "cha chung không ai khóc" đương nhiên xảy ra. Cho đến năm 1993 làng quê này mới được "hợp nhất", lấy tên xóm là Ba Cống.

 

Ông Nguyễn Văn Huấn, phó trưởng xóm cho biết: Để có một Ba Cống bình yên như hôm nay, chính tự người dân đã cùng vào cuộc, từng bước xóa bỏ đi danh giới định kiến giữa hộ CNVC và hộ làm nông nghiệp. Đặc biệt, tại ngã ba đường vào xóm, nơi các đối tượng mắc tệ nạn xã hội thường tụ tập, chi bộ Đảng đã phân công cho đảng viên luân phiên túc trực để tuyên truyền, vận động nhân dân không để việc mua - bán ma tuý tồn tại. Chỉ ít tháng sau đó, "ngã ba ma tuý" đã không còn ma tuý, cuộc sống của người dân trở nên bình yên hơn.

 

Nhưng, niềm tin về việc mọi người cùng nhau xây dựng một xóm văn hóa ở ngay vùng quê này thì còn nhiều trắc trở. Chính vì vậy mà khi việc xây dựng nhà văn hóa được khởi công, những lá đơn kiến nghị của một số công dân trong xóm cũng bắt đầu gửi tới chính quyền địa phương. Ông Đặng Minh Thử, trưởng xóm hoảng tới mức sợ phải đi tù. Ông tâm sự: Có nhiều đêm không ngủ, vợ con cằn nhằn bảo: Nếu ông đi tù, sẽ không mang cơm… Nhưng, mình là đảng viên, mình không làm thì ai làm.

 

Hỏi mới biết: Năm 2000, ở xóm Ba Cống có chuyện động trời: Ông trưởng xóm Đặng Minh Thử cùng một số đảng viên đã vận động nhân dân hiến đất ruộng để làm khu nhà văn hóa. Để tôn khu đất cao được như bây giờ, ông Thử cùng Ban xây dựng xóm đi liên hệ với một doanh nghiệp trên địa bàn, xin ủng hộ được gần 1 nghìn chuyến xe ô tô chở đất về san lấp, tạo mặt bằng. Nên có người đến tận nhà dọa việc ông "chủ mưu" đổ đất xuống ruộng là vi phạm pháp luật. Đã vậy, một số người khác tung tin: Trưởng xóm và một số đảng viên chia chác khu đất đó để làm nhà… Rất may, việc làm của ông và các đảng viên trong xóm không mảy may tư lợi, nên bà con chòm xóm đến nhà chia sẻ, động viên. Có người bạo miệng bảo: Nếu vì xây dựng nhà văn hóa cho bà con mà ông phải đi tù, chúng tôi viết đơn xin được đi tù cùng ông.

 

…Bây giờ, khu nhà văn hóa đã trở thành nơi hội họp của bà con nhân dân xóm Ba Cống. Những nghị quyết của chi bộ xóm, hay những đợt phát động phong trào thi đua của xóm Ba Cống đều bắt đầu từ khu nhà văn hóa này. Ông Đặng Minh Thử không giấu nổi niềm vui: Ba Cống hôm nay đã đổi mới rất nhiều, hiện có 190/221 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa. Cuối năm 2008, gia đình anh Trần Minh Tâm đã có một ngôi nhà mới để ở - ngôi nhà có sự đóng góp, giúp đỡ của bà con chòm xóm.

 

Tôi còn biết rằng: Đó là hộ nghèo cuối cùng ở xóm Ba Cống không còn phải sinh sống trong ngôi nhà tạm.