Để dịch bệnh không bùng phát

08:45, 08/03/2009

Đến nay, dịch bệnh không xuất hiện trở lại ở T.P Thái Nguyên, song sự việc xảy ra hồi cuối tháng 12 năm 2008: hàng loạt ổ dịch bùng phát  tại xã Lương Sơn, T.P Thái Nguyên đã như một lời cảnh báo đối với cán bộ, nhân dân T.P: Không thể chủ quan trước các dịch bệnh trên động vật.

Cuối tháng 12 năm 2008, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại nhà ông Đỗ Văn Thu, xóm Tiến Bộ, cơ quan chức năng buộc phải lập biên bản, tiêu thụ đàn ngan gồm 150 con. Đến ngày 3/01/2009, ổ dịch lại xuất hiện tại gia đình ông Nguyễn Kiên Cường, xóm Pha (Lương Sơn), hơn 1.800 con gia cầm phải đem tiêu huỷ. Cũng tại xã Lương Sơn, gia đình ông Dương Văn Thân, xóm Sau cũng được phát hiện đàn gia cầm hơn 260 con mắc cúm phải tiêu huỷ vào ngày 5/01. Ngày 9/01, cán bộ chức năng của thành phố đã phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm tại gia đình ông Hoàng Anh Tuấn, tổ 4, phường Trung Thành hơn 350 con gia cầm buộc phải đem tiêu huỷ...

 

Vậy là trong thời gian hơn 10 ngày, tại xã Lương Sơn và phường Trung Thành đã phải đem tiêu huỷ trên 3.400 con gia cầm. Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: Nguyên nhân dẫn đến phát sinh dịch bệnh do việc gia đình ông Đỗ Văn Thu, xóm Tiến Bộ (Lương Sơn) sang Bắc Giang mua 150 con ngan giống về nuôi. Chỉ sau hơn 40 ngày, đàn ngan rũ ra chết. Sau khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, Trung tâm chuẩn đoán Quốc gia kết luận: Mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm.

 

Đến nay, dịch bệnh không xuất hiện trở lại, song sự việc xảy ra đã như một lời cảnh báo đối với cán bộ, nhân dân T.P Thái Nguyên là: Không thể chủ quan trước các dịch bệnh trên động vật. Vì bởi thành phố - trung tâm kinh tế của tỉnh có tới trên 300.000 dân cư sinh sống tại 28 phường, xã. Cùng đó là 26 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyện nghiệp và dạy nghề thường xuyên có hàng vạn học sinh, sinh viên và mỗi năm, thành phố đón tiếp trên 352.000 lượt du khách, trong đó có gần 8.000 lượt du khách nước ngoài đến thăm quan. Trong khi đó, thành phố chưa có khu giết mổ ổn định, mà số lượng khoảng 9 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày được giao bán phục vụ người tiêu dùng tại 23 điểm chợ, chưa kể số người buôn bán thịt dong trên các ngõ phố, đường làng. Nhưng, trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ của thành phố chỉ có 17 kiểm dịch viên. Cả năm 2008, đội ngũ này đã thực hiện việc kiểm tra vệ sinh thú y trên tất cả các chợ và tụ điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật được 2.900 con trâu; hơn 38.600 con lợn và gần 367.000 con gia cầm.

 

Một khó khăn đối với công tác phòng dịch tại thành phố là hầu như các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ, chưa thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên việc quản lý tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm rất khó khăn. Cùng đó, mạng lưới thú y viên cơ sơ sở mỏng, trình độ chuyên môn chưa đồng đều và kinh phí hỗ trợ cho ngành Thú y về công tác phòng dịch không có. Đặc biệt, thành phố không chỉ là địa bàn tiêu thụ khối lượng thực phẩm cao, mà còn có những tuyến đường thông thương lên các huyện, tỉnh vùng cao và miền xuôi, nên việc tư thương vận chuyển động vật tươi sống hoặc đã giết mổ qua địa địa bàn là việc rất khó kiểm soát. Năm 2008, Trạm phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường bắt, xử lý 1 xe vận chuyển lợn đông lạnh; 1 xe ô tô vận chuyển 40 con gà không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển, song cũng chỉ dừng lại ở mức lập biên bản xử phạt hành chính và buộc chủ hàng mang trở về nơi xuất phát.

 

Gần đây nhất, cuối tháng 2/2009, cơ quan chức năng lại phát hiện 1 ô tô vận chuyển 400 con gà thương phẩm vận chuyển vào thành phố nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chưa kể hằng ngày, trên các ngả đường vào thành phố, gia cầm và các loại thực phẩm động vật tươi sống được vận chuyển nhỏ lẻ trên xe máy, mà người làm dịch vụ này không quan tâm nhiều đến việc số thực phẩm đó có an toàn về dịch bệnh hay không? Ông Bùi Ánh Dương, cán bộ Trạm Thú y thành phố cho biết: Trên địa bàn thành phố có tới 60 nhà hàng, khách sạn và hàng trăm quán ăn nhỏ lẻ. Nếu chủ các cơ sở này không quan tâm tới việc an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc chắn khi dịch bệnh xảy ra sẽ rất khó kiểm soát. Để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, từ nhiều năm nay Trạm luôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người buôn bán chấp hành nghiêm công tác vệ sinh thú y. Còn với người tiêu dùng chỉ nên mua, sử dụng thịt động vật đã được kiểm dịch viên lăn dấu. Do vậy từ năm 2003 đến nay, tại các chợ đầu mối, điểm bán không còn hiện tượng người bán thịt bày trên nền đất, hoặc mang thịt động vật mắc bệnh ra chợ bán.

 

Nhận thức của đại bộ phận cán bộ, nhân dân về công tác phòng dịch bệnh trên vật nuôi đã từng bước nâng cao. Đặc biệt, nhờ đội ngũ thú y viên cơ sở, công tác giám sát dịch bệnh tại hộ chăn nuôi được tăng cường. Việc hộ chăn nuôi chấp hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi đạt cao. Năm 2008, tại 28 phường xã đã thực hiện tiêm phòng được trên 5.000 liều vắc xin tụ huyết trùng; 7.530 liều vắc xin lở mồm long móng; 8.400 liều vắc xin dịch tả và tụ dấu và 23.485 liều vắc xin phòng dại; hơn 880.000 liều vắc xin cúm gia cầm… Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: Dự kiến năm 2009 này, thành phố sẽ có 61.000 mũi vắc xin phòng các bệnh dịch trên vật nuôi. Tại các chợ đầu mối, điểm bán đội ngũ kiểm dịch viên tăng cường công tác kiểm dịch động vật, vận động nhân dân cùng chấp hành công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Song để an toàn cho các hộ chăn nuôi, cũng như an toàn cho sức khoẻ cộng đồng, rất cần sự hưởng ứng của tất cả cán bộ, nhân dân.