Doanh nghiệp mong người dân chia sẻ khó khăn

08:33, 24/03/2009

Nguồn nước ngầm bị tụt gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt; nguy cơ tai nạn giao thông do đường dân sinh đi ven theo lòng moong than; khoảng cách từ nhà dân đến khai trường chỉ có vài mét…  là những bức xúc của bà con các xóm Cao Sơn 2, Cao Sơn 3, Cao Sơn 4  của xã Sơm Cẩm (Phú Lương.  Những bức xúc  này do hoạt động khai thác than của Mỏ than Bá Sơn (Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên) gây ra.

Mỏ than Bá Sơn được cơ quan chức năng cấp phép với tổng diện tích trên 55ha và Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên đã tổ thức khai thác trên diện tích gần 45ha thuộc các xóm Đông Sơn, Nam Sơn của xã Cổ Lũng và từ năm 2006 trở lại đây doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng khai trường xuống khu vực Cao Sơn 2, Cao Sơn 3, Cao Sơn 4 của xã Sơn Cẩm. Do vậy, không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay hoạt động khai thác than tại Mỏ than Bá Sơn có gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân và đơn thư khiếu kiện đã được gửi đi nhiều nơi.

 

Để giải quyết những bức xúc của người dân, nhiều hội nghị với sự tham gia của đại diện một số hộ dân bị ảnh hưởng, lãnh đạo huyện, xã, một số ngành chức năng của tỉnh và đơn vị đang hoạt động khái thác. Sau những hội nghị nêu trên, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than đều cam kết khắc phục những tồn tại hiện hữu tại khu vực Mỏ than Bá Sơn. Song, do gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nhưng vấn đề người dân ở các xóm nêu trên đưa ra như: Đền bù di dời tất cả những hộ trong phạm vi của Mỏ; chấm dứt tình trạng nổ mìn gây ảnh hưởng tới các công trình dân sinh của dân; khoan giếng nước cho những hộ bị mất nước… vẫn chưa được giải quyết triệt để.

 

Đồng chí Lê Thúy Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm khi được hỏi về vấn đề này đã khẳng định: Khoảng 40 hộ dân trong xã đang bị ảnh hưởng trực tiếp do hoạt động khai thác than gây ra. Trong đó có trên 1ha đất sản xuất bị nứt dẫn tới tụt nước không thể cấy lúa; nhà dân bị nứt, vỡ ngói do mìn nổ; giếng cạn là có thực. Về phía doanh nghiệp cũng đã phối hợp với xã triển khai thực hiện những điều cam kết với dân nhưng tiến độ rất chậm. 

 

Ông Đỗ Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên khi làm việc với chúng tôi cũng thừa nhận những phản ánh của nhân dân nằm trong khu vực ảnh hưởng của khai trường Mỏ than Bá Sơn là không sai. Còn chuyện khắc phục những điều nêu trên đang được Công ty tiến hành song do sản phẩm làm ra bán quá chậm nên doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính để giải quyết cùng lúc những vấn đề nêu trên. Vẫn theo ông Thịnh, trong thời điểm khó khăn này, nhân dân ở 3 xóm của Sơn Cẩm hãy thông cảm, chia sẽ cùng doanh nghiệp và thông tin thêm sẽ tiến hành khoan ngay một giếng nước mới cho các hộ dân ở xóm Cao Sơn 3 trong năm nay. Giải thích về có thông tin cho rằng Mỏ than Bá Sơn chỉ thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên quản lý trong thời gian 3 năm nữa sau đó sẽ bàn giao cho doanh nghiệp khác nên đơn vị này chỉ quan tâm tới việc khai thác. Ông Thịnh Khẳng định: Chúng tôi được cấp mỏ trong thời gian 50 năm và trữ lượng than tại Mỏ than Bá Sơn còn tới hàng triệu tấn nên không thể có chuyện doanh nghiệp chỉ đầu tư để tận thu rồi bỏ lại hậu quả. Sau khi khai thác lộ thiên tại những điểm thuận lợi, chúng tôi sẽ tiến hành khai thác hầm lò và sẽ ưu tiên nhận những lao động thuộc những hộ bị thu hồi nhiều đất có tay nghề phù hợp vào làm việc tại Mỏ.

 

Hoạt động khai thác khoảng sản và nhất là khai thác than thì khó có thể tránh khỏi những tác động không tốt tới môi trường và đời sống của nhân dân vùng phụ cận. Do đó, theo chúng tôi, lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên nên tổ chức nhiều hội nghị đa bên để có tiếng nói, thông tin khách quan nhằm giải thích cho nhân dân ở Sơn Cẩm hiểu hơn về vấn đề này. Đồng thời, cũng không thể lấy lý do quá khó khăn trong sản xuất để thóai thác trách nhiệm mà phải ưu tiên đầu tư kinh phí để đền bù, di dời khoảng 15 hộ nằm ngay sát khai trường của Mỏ than Bá Sơn nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của người dân.

 

Trong điều kiện chưa thể mở ngay tuyến đường dân sinh mới phục vụ việc đi lại của nhân dân nên thường xuyên nâng cấp, gia cố mặt đường những đoạn đi qua trên lòng moong than để tránh xảy những hậu quả đáng tiếc về tai nạn giao thông. Đối với những khu vực đông dân cần khoan thêm giếng nước để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con (hiện có những điểm đang có từ 3 tới 5 hộ chung nhau sử dụng một giếng nước). Riêng với huyện Phú Lương và các ngành chức năng của tỉnh nên giám sát chặt quy trình đảm bảo an toàn trong khai thác tại Mỏ than Bá Sơn bởi cách đây chưa xa đã xảy ra một vụ tại nạn nghiêm trọng gây chết người.