Tuổi trẻ cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2009). Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Xuân Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn về chủ đề hoạt động của năm nay là “Thanh niên với nghề nghiệp, việc làm”.
- P.V: Đồng chí có suy nghĩ gì về chủ đề công tác năm 2009 của Trung ương Đoàn là "Thanh niên với nghề nghiệp việc làm"?
- Đ/c Dương Xuân Hùng: Năm 2009 là năm đầu tiên Trung ương Đoàn chọn chủ đề này, tôi cho rằng đây là một chủ đề hay và thiết thực đối với thanh niên. Có thể nói, nghề nghiệp, việc làm luôn là vấn đề luôn được đoàn viên thanh niên (ĐVTN) quan tâm bởi đây không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là tương lai của mỗi cá nhân, tương lai của một gia đình và như vậy cũng chính là điều kiện cho sự phát triển của xã hội. Vấn đề nghề nghiệp, việc làm là nỗi băn khoăn, trăn trở không chỉ riêng của tổ chức Đoàn mà đó còn là mối quan tâm của toàn xã hội. Tổ chức Đoàn đã mạnh dạn triển khai các nội dung văn bản, kế hoạch và đề ra nhiều hoạt động cụ thể để làm tốt hơn vấn đề nghề nghiệp, việc làm đối với thanh niên. Chung tay cùng xã hội xây dựng một lớp trí thức, lao động trẻ có tay nghề, có việc làm và ổn định là mục tiêu vì chính lợi ích của đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, giải quyết tốt vấn đề nghề nghiệp, việc làm cho ĐVTN sẽ góp phần gắn kết thanh niên với tổ chức Đoàn, cũng là góp phần xây dựng Đoàn ngày vàng vững mạnh
- PV: Xin đồng chí cho biết Tỉnh đoàn đã làm gì để định hướng nghề nghiệp cho ĐVTN?
- Đ/c Dương Xuân Hùng: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn rất chú trọng tới việc giải quyết việc làm và định hướng, giáo dục ĐVNT trở thành những người có lý tưởng, có lẽ sống, đem sức trẻ cống hiến cho quê hương, đất nước, cụ thể: Ký kết chương trình phối hợp với các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNT... tổ chức tập huấn, tư vấn về nghề nghiệp và việc làm cho ĐVTN. Trung tâm dạy nghề thanh niên (Tỉnh đoàn) tổ chức đào tạo các đối tượng là ĐVNT, đồng thời liên kết, mở rộng đào tạo cho các đối tượng khác. Chỉ đạo các Đoàn cơ sở tuyên truyền về công tác đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho ĐVNT trên báo, đài, bản tin nội bộ. Tiếp tục triển khai thực hiện hai phong trào lớn là “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp”, trong đó chú trọng các hoạt động: Đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn... Nhiều cơ sở Đoàn đã triển khai chương trình “Tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên trong việc hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế giai đoạn 2008 - 2012”; phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên học nghề, khởi sự doanh nghiệp, tạo việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, vốn vay hộ nghèo… Đến nay đã có trên 9 nghìn đoàn viên được vay trên 72 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn còn phối hợp tổ chức tọa đàm giới thiệu việc làm, tuyên truyền về địa chỉ trang Web Sàn giao dịch việc làm của tỉnh cho trên 11 nghìn người và gần 7 nghìn ĐVTN được học nghề.
- P.V: Năm 2009, tỉnh Đoàn Thái Nguyên đã “bắt tay” vào những công việc gì để đẩy mạnh hơn nữa chủ đề năm?
- Đồng chí Dương Xuân Hùng: Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn và bám sát nhiệm vụ của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi với 3 nội dung lớn: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên; quan tâm phối hợp tạo việc làm và các điều kiện cần thiết giúp thanh niên phát triển kinh tế; phối hợp tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tổ chức hoạt động nghề nghiệp và việc làm cho các cấp bộ Đoàn. Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tập trung nâng cao nhận thức nghề nghiệp, việc làm và tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên với phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích học sinh sinh viên (HSSV) thi đua học tập; tôn vinh các tấm gương HSSV tiêu biểu; đẩy mạnh việc phối hợp tuyên truyền và tư vấn, hướng dẫn HSSV và thanh niên vay vốn học tập, giải quyết việc làm; xây dựng điểm mô hình “dạy nghề tại chỗ”... Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ thanh niên trên mọi lĩnh vực; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghề nghiệp, việc làm cho đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư Đoàn cơ sở; khảo sát, tư vấn cho thanh niên trong việc lựa chọn nghề nghiệp; tổ chức biểu dương, tôn vinh lao động trẻ giỏi, có tay nghề cao, có nhiều sáng kiện trong lao động...
- PV: Với cương vị là “thủ lĩnh” thanh niên, đồng chí có lời khuyên gì cho các cấp bộ đoàn ?
- Đ/c Dương Xuân Hùng: Nghề nghiệp và việc làm là hai phạm trù khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Ban Thường vụ tỉnh Đoàn mong muốn các bạn trẻ chọn lựa hướng đi, chọn nghề, chọn việc theo đúng sở trường, năng lực của mình để cống hiến tốt nhất. Đối với thanh niên chưa có việc làm, mỗi người phải định hướng ngay từ đầu cho tương lai của mình. Phải tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu và hoàn cảnh của bản thân, gia đình, địa phương phù hợp với ngành nghề nào mà thị trường lao động đang cần. Khi đã tạo dựng cho mình được một nền tảng vững chắc, có được một nghề nghiệp ổn định thì hãy trau dồi hơn nữa đạo đức, lối sống, tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để "nghề" trở thành "nghiệp" Tổ chức Đoàn sẽ luôn là người bạn đồng hành với các bạn trên con đường lập thân, lập nghiệp.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.