Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, việc dự báo thời tiết tuy đã có cố gắng, song còn một số chưa chính xác, phải khắc phục để tiến tới chuẩn mực thế giới.
Mưa bão đã làm 473 người chết, 64 người mất tích, hơn 400 người bị thương, hơn 4.000 nhà bị sập đổ và gần 500.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm qua trên 13.300 tỷ đồng, chiếm 1-2% GDP.
Phó Thủ tướng cho rằng, tuy kinh tế trong nước khó khăn do lạm phát, suy giảm nhưng Chính phủ cũng chi nhiều nhất cho công tác PCLB và hỗ trợ người dân với số tiền 1.421 tỷ đồng và 12.150 tấn gạo. Chưa kể, kinh phí khắc phục hệ thống giao thông lên tới cả nghìn tỷ, hơn 700 tỷ khác chi cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát đánh giá, năm 2008, thiên tai đã khốc liệt, song, dự báo năm nay còn gay gắt hơn. Mưa bão đến sớm, với lượng mưa lớn vượt năm ngoái. Điều này đồng nghĩa lũ quét cũng sẽ nhiều và khốc liệt hơn.
Trong khi đó, công tác PCLB còn nhiều bất cập, đặc biệt là nhiều địa phương rất lúng túng khi chuẩn bị phương án 4 tại chỗ (chỉ đạo, hậu cần, phương tiện và ứng cứu).
Ngoài ra, hầu hết các địa phương phản ảnh, kinh phí để tu bổ đê điều, kè cống, hồ chứa nước, công trình thuỷ lợi, di dân... rất thiếu thốn.
Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết, Hà Nội hiện có hơn 470km đê, 38km đê thuộc cấp đặc biệt, cùng hệ thống công trình thủy lợi lớn, 10 con sông chảy qua địa bàn... Mặc dù hệ thống đê điều, thủy lợi đã xuống cấp, tỷ lệ bồi lắng lớn nhưng chưa có đủ kinh phí duy tu. Năm 2008, TP đã chi tới 400 tỷ đồng cho công tác này mà vẫn thiếu.
Tỉnh Nam Định hiện còn 28km đê xung yếu, cũng đang cần nguồn vốn khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Trước đề nghị của các địa phương về vấn đề kinh phí để duy tu đê điều, cầu cống, đại diện Bộ KH-ĐT nhấn mạnh: năm nay Chính phủ đã có chủ trương tăng thêm 100 tỷ đồng cho công tác PCLB, cùng với 80-100 tỷ đồng phân bổ hàng năm.
"Song, cũng cần nhấn mạnh, trách nhiệm an toàn đê điều, hồ chứa để PCLB trước hết thuộc về các địa phương, không nên trông chờ TƯ. Địa phương nên trích quỹ dự phòng để tu bổ, nếu thiếu, Chính phủ sẽ bổ sung nhưng cũng chỉ hỗ trợ một phần, ưu tiên những địa phương còn khó khăn, nghèo”, vị này nói.
Cũng theo đại diện Bộ KH-ĐT, việc đầu tư đê kè, đê bối và di dân khỏi vùng trũng, thấp cần một khoản kinh phí quá lớn, lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Do vậy, các địa phương cần cân nhắc ưu tiên những công trình quan trọng, những nơi đông dân, có di tích lịch sử văn hoá...
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, công tác PCLB năm 2008 còn nhiều hạn chế, việc tu sửa đê điều sạt lở còn chậm. Ông yêu cầu cần rút ngắn thời gian làm thủ tục xây dựng, tránh tình trạng mùa mưa thi công, mùa khô nhàn nhã.
Riêng đối với các dự án đầu tư trên 5 tỷ đồng, nếu địa phương thấy chỉ định thầu tốt hơn thì lập danh sách xin ý kiến Chính phủ.
Việc dự báo thời tiết, tuy đã có cố gắng, song còn một số chưa chính xác, phải khắc phục để tiến tới chuẩn mực thế giới. Công tác 4 tại chỗ còn thực hiện chưa tốt. Trong rất nhiều trường hợp, việc chuẩn bị này triển khai dưới huyện, đến lúc cần huy động với số lượng lớn lại thiếu. Do vậy, các địa phương cần xem nhu cầu dự trữ thực tế là bao nhiêu để có cơ số hợp lý.
Ngoài ra, UB quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng cần đầu tư thêm máy bay, tàu cứu hộ, sao cho đến hết năm 2010, 29 tỉnh, thành ven biển, mỗi địa phương có một tàu cứu hộ hiện đại.
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, năm 2009, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhiều, sớm hơn các năm (trung bình nhiều năm là 5-6 cơn), nhiều hơn so với cả năm 2008.
Bên cạnh đó, mùa mưa năm 2009 có thể diễn biến phức tạp, mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và thành các đợt kế tiếp nhau rất khó lường.
Ông Tăng cho biết, khoảng tháng 5-6 sẽ bắt đầu xuất hiện bão. Lũ trên sông Hồng cũng sẽ ở mức cao, mức Báo động III.