Hiệu quả từ tủ sách cộng đồng

08:25, 10/03/2009

Không có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ KHKT mới, nhiều người dân ở Văn Hán (Đồng Hỷ) đã lựa chọn và tìm kiếm thông tin từ tủ sách cộng đồng. Những kiến thức từ sách đã được người dân từng bước áp dụng vào thực tế sản xuất...

Chủ trương xây dựng tủ sách cộng đồng để cung cấp kiến thức cho bà con nông dân được Hội Nông dân tỉnh triển khai dưới sự tài trợ của Tổ chức Plan từ 2 năm nay. Xã Văn Hán được trang bị 4 tủ sách đặt tại UBND xã và 3 cụm xóm, giao cho Hội Nông dân quản lý. Mỗi tủ có trên 100 đầu sách về các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, kiến thức nhà nông... Có những cuốn được nhiều người tìm đọc: Thiết kế VAC cho mọi vùng, Những điều nông dân miền núi cần biết, Đời sống và phát triển kinh tế hộ, Hỏi đáp về vốn Ngân hàng Người nghèo, Hướng dẫn trồng xen canh một số loại cây dưới tán rừng, Học và làm nghề thoát nghèo nhanh... Đặc biệt là những cuốn sách về cây chè như: Cây chè- Năng lực cạnh tranh và phát triển; phương pháp trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; cách làm chè sạch... được những người dân ở Văn Hán đọc nhiều. Vì hiện nay, cây chè ở đây đang phát triển mạnh và mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân.

 

Anh Nguyễn Đình Biên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Thái Hưng cho biết: Năm 2008, xóm được trang bị tủ sách cộng đồng đặt tại Nhà văn hóa để bà con có thêm thông tin. Xóm có 70 hộ thì còn 24 hộ nghèo. Bà con còn thiếu nhiều kiến thức nên từ khi có tủ sách thì những cuốn sách về trồng trọt, chăn nuôi được người dân truyền tay nhau đọc, người này trả lại có người khác mượn ngay. Nhờ được tập huấn và tham khảo thêm kiến thức trong sách, các hộ dân trong xóm Thái Hưng đã chuyển đổi được 3ha chè cành (trong hơn 20ha chè trung du). Hiện nay chè được gần 2 năm và bắt đầu thu hoạch được 7 - 8 kg/sào với giá bán 130.000 - 150.000 đồng/kg.

 

Dở cuốn nhận ký mượn - trả sách của xóm chúng tôi thấy hầu hết người dân đều mượn sách liên quan đến cây chè. Cũng thông qua sách, báo, các hộ dân làm chè trong xóm đã mạnh dạn thành lập Câu lạc bộ sản xuất chè sạch từ đầu năm 2008 với 7 thành viên tham gia, mỗi thành viên làm 2 sào thử nghiệm và đã được tham gia lớp tập huấn IPM trên cây chè do Hội Nông dân xã tổ chức. Hy vọng từ câu lạc bộ chè sạch này, thương hiệu chè Văn Hán sẽ có mặt trên trên thị trường. Ngoài trồng chè, các hộ dân còn tích cực phủ xanh đất trống, đồi trọc và áp dụng trồng xen canh, phía trên cao trồng cây lâu năm, dưới tán trồng chè. Cùng với đó, chăn nuôi cũng phát triển để tận dụng phân bón phục vụ trồng trọt. Trong xóm có hơn 20 hộ chăn nuôi lợn nái, gà thịt, nuôi ong... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt khoảng 5 triệu đồng/năm.

 

Anh Mông Dương Quang, xóm Làng Cả, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đã nhiều lần mượn sách từ tủ sách cộng đồng được đặt tại UBND xã thông tin với chúng tôi: Từ khi có tủ sách tôi thường đến mượn, mỗi khi có việc gì ra UBND xã tôi lại mượn sách về xem. Nhiều kiến thức rất thiết thực với nhà nông chúng tôi, nhất là những phương pháp chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh mà lâu nay người dân vẫn quen làm theo cách truyền thống.

 

Nói về hiệu quả của tủ sách cộng đồng, anh Nguyễn Đức Sen, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nhiều hội viên nông dân đã áp dụng những kiến thức hướng dẫn trong sách để phát triển kinh tế gia đình. Đối với các kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh mới trong chăn nuôi... trên cơ sở các ý kiến đề xuất của hội viên, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn theo yêu cầu của nông dân. Trong năm 2008, Hội Nông dân xã đã tổ chức được 34 lớp tập huấn cho trên 1.000 lượt hội viên tham gia, trong đó có nhiều lớp theo yêu cầu của nông dân như: Phòng chống dịch cúm gia cầm, bảo quản nông sản sau thu hoạch... Năm 2009, chúng tôi sẽ bổ sung thêm khoảng 40 đầu sách về những tiến bộ KHKT để phục vụ nhu cầu của người dân.

 

Đối với những xã vùng sâu, vùng xa thì việc tiếp cận thông tin, nhất là những kiến thức KHKT mới còn nhiều hạn chế, do vậy kiến thức từ những cuốn sách của tủ sách cộng đồng là nguồn thông tin thiết thực đối với người dân. Tủ sách mở cửa 5 ngày/tuần và tất cả mọi người đều có thể mượn sách chính là những thuận lợi để người dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ của KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi, thích nghi với sự đổi thay của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.