Mạng lưới thú y cơ sở: Còn nhiều bất cập

08:32, 20/03/2009

Năm 2008, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã xảy ra trên địa bàn Thái Nguyên, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nên ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi cán bộ thú y tại các xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Hoàng Văn Dũng, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh cho biết: Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Thái Nguyên phát triển mạnh, năm 2008 giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng 9,88% so với năm trước, chiếm gần 32% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân, để đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Thú y, đặc biệt là lĩnh vực giám sát và phòng, chống dịch bệnh.

 

Hệ thống cán bộ thú y tuyến  cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt, bởi họ có thể nắm bắt nhanh nhất tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Trước năm 2008, cán bộ chuyên trách về thú y chỉ có ở tuyến tỉnh và huyện, tuyến xã không có hoặc chỉ là cán bộ kiêm nhiệm. Tháng 3 năm 2008, Chi Cục Thú y tỉnh đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng mạng lưới cán bộ thú y, ký hợp đồng trách nhiệm với 180 Tổ trưởng Thú y tại các xã, phường, thị trấn, qua đó công tác báo cáo, giám sát, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt, một số vụ dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm đã được dập tắt kịp thời.

 

Mặc dù lực lượng cán bộ thú y đã được củng cố và bổ sung nhưng hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra do còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hầu hết các tổ trưởng thú y tại 180 xã, phường, thị trấn trình độ chuyên môn còn thấp, nhiều người mới chỉ được đào tạo sơ cấp về công tác thú y, hiện tại số cán bộ này đang được cử đi đào tạo trình độ trung cấp thú y nhưng cũng phải đến giữa năm 2010 mới tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước mới chỉ trả phụ cấp với mức 432.000 đồng/tháng cho các tổ trưởng thú y, còn các thú y viên (mỗi xã có khoảng từ 6 đến 8 người) chưa được hưởng chế độ phụ cấp nên hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa khuyến khích được họ nhiệt tình tham gia công tác.

 

Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng trên, chúng tôi đã tìm về các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Phổ Yên, chị Đào Thị Tường Vi, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Phổ Yên có 15 xã và 3 thị trấn, địa bàn rộng, cán bộ của trạm chỉ có 3 người (02 biên chế, 01 hợp đồng), nên việc triển khai công tác phòng, chống dịch rất khó khăn. Trước đây ở các xã trong huyện đều không có cán bộ thú y chuyên trách, thường thì cán bộ phụ trách nông nghiệp hoặc cán bộ 248 của xã đảm nhiệm luôn công việc này, tuy nhiên do là kiêm nhiệm nên hoạt động còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó việc phải đảm nhiệm mảng công việc trái với chuyên ngành được đào tạo thì khó có thể đạt được kết quả cao, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương nhưng lại thiếu những phương án xử lý nhanh nhạy kịp thời.

 

Hiện tại huyện Phổ Yên có 11 trang trại nuôi lợn với số lượng lớn, 20 trang trại nuôi gà có quy mô trên 2.000 con; tổng đàn gia cầm có khoảng 800.000 con, gần 85.000 con lợn, trên 15 con trâu, bò, do ít cán bộ thý y nên việc giám sát, nắm tình hình dịch bệnh tại các xã gặp nhiều khó khăn, việc báo cáo tình hình bệnh dịch từ xã lên huyện đôi lúc chưa kịp thời; các đợt tổ chức tiêm phòng, tiêu trùng khử độc, thời gian thường bị kéo dài do không có đủ nguồn nhân lực cần thiết. Trong công tác kiểm dịch, huyện mới chỉ có 5 cán bộ hợp đồng làm công việc này nên chỉ phụ trách được ở 6 chợ chính, còn lại các chợ nhỏ thì  không thể kiểm soát hết.

 

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, tỉnh ta chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Nông, Lâm nghiệp, Thuỷ sản theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, sản xuất hàng hóa tập trung. Để làm tốt công tác này thiết nghĩ cần kịp thời củng cố mạng lưới cán bộ thú y cơ sở, đặc biệt là đội ngũ thú y viên ở các xã, xóm.

 

Trước mắt cần tập hợp lại đội ngũ đã từng được đào tạo về ngành Chăn nuôi thú y ở tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh, cập nhật kiến thức hoặc tập huấn chuyên đề ngắn hạn cho họ, tổ chức để họ có điều kiện tham gia mạng lưới thú y theo những hình thức phù hợp để họ làm "tai mắt" trong giám sát, quản lý dịch bệnh. Đối với các thú y viên khi thực hiện các khâu dịch vụ cho người chăn nuôi trong khu vực nào thì phải đảm nhiệm luôn cả việc tuyên truyền về lợi ích, an toàn dịch bệnh, có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan thú y tình hình chăn nuôi tại khu vực họ phụ trách theo định kỳ quy định, hoặc theo những trường hợp, những loại bệnh phải báo cáo đột xuất, và khi cần thiết cấp bách như có dịch xảy ra, họ cũng có thể đảm đương vai trò chỉ đạo kỹ thuật tại chỗ.

 

Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại chế độ chính sách cho cán bộ mạng lưới thú y cơ sở theo hướng khuyến khích động viên cho các cán bộ thú y hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nguy cơ dịch bệnh cao và các chiến dịch phòng chống dịch có tính chất nguy hiểm và độc hại để nâng cao tính công bằng, tinh thần trách nhiệm và động viên được nhiều người tham gia.