Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ma Thị Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội năm 2009.
P.V: Xin đồng chí cho biết chủ đề hoạt động của các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh năm 2009 là gì?
Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Căn cứ vào nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2009, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên chọn chủ đề "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ". Đây là sự cụ thể hóa nhằm hưởng ứng chủ đề năm 2009 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động "Nâng cao chất lượng hoạt động để thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện và chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ", để tiếp tục thực hiện mục tiêu chương trình Quốc gia về giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội phụ nữ Việt Nam khóa X là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập với chỉ tiêu phấn đấu 75% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ, trong đó 40%-50% thoát nghèo. Việc giúp đỡ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trong những năm qua mới chỉ đáp ứng được một phần, hiện nay chiếm trên 50% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ cần được giúp đỡ. Chính vì thế năm 2009, Hội LHPN tỉnhThái Nguyên lựa chọn chủ đề "giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ" để tập trung mọi nguồn lực giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo một cách hiệu qủa và bền vững.
P.V: Các cấp Hội có gặp khó khăn gì khi thực hiện việc giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, thưa đồng chí?
Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Trên thực tế, năng lực trình độ của một số phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa một số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có hoàn cảnh đặc biệt như: Cô đơn, bản thân tàn tật, chồng, con mắc tệ nạn xã hội, không có đất đai hoặc thiếu tư liệu sản xuất...; các cấp Hội phụ nữ mạnh về tổ chức nhưng thiếu về nguồn lực tài chính để hỗ trợ trực tiếp, đó là một trong những khó khăn trong thực hiện việc giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ.
P.V: Vậy Hội LHPN đã có những giải pháp cụ thể nào thực hiện tốt Chủ đề này?
Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Các cấp Hội cần tổ chức khảo sát nắm địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tìm hiểu nguyên nhân nghèo và đánh giá nhu cầu của những hộ nghèo. Trên cơ sở đó, các cấp Hội xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp hộ nghèo, lập sổ theo dõi cụ thể ở các cấp Hội. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền để hộ nghèo thay đổi nhận thức, hành vi, tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo, không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, các cấp Hội cần tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT trong sản xuất nông - lâm nghiệp để giúp những hộ thiếu kiến thức biết cách áp dụng KHKT vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Hướng dẫn cho các hộ nghèo biết cách lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, chi tiêu trong gia đình. Hướng dẫn khai thác các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng, xã hội đối với người nghèo. Dạy nghề, đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo và con em của họ để hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xóa nhà tạm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phát động và cuộc vận động xây, sửa nhà mái ấm tình thương do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Triển khai các mô hình giúp phụ nữ nghèo có hiệu quả: Chỉ đạo điểm và nhân rộng mô hình có hiệu quả để các tổ chức hội triển khai học tập.
PV: Xin cảm ơn đồng chí