Người trở về

08:24, 04/03/2009

Họ - những người đàn bà không may mắn. Số phận đã xô đẩy phần đời trẻ trung của họ đến xứ người làm dâu, thậm chí làm cái nghề bán thân nuôi miệng. Họ phải sống trong đau đớn, dằn vặt bị chính đồng loại tước bỏ mất tuổi thanh xuân, nhân phẩm và cả quyền làm người.

Khi nghe những câu chuyện buồn, những phận đời ly biệt nơi viễn xứ, tôi không khỏi chạnh lòng, thảng thốt rằng: Sao trên đời có lắm kẻ táng tận lương tâm, họ vì tiền mà xô đẩy những "yểu điệu thục nữ" vào chốn bụi trần… Vậy là tôi lần đường về Tân Hương, một trong những xã có nhiều chị em bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Ngay tại xã này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phổ Yên đã thành lập được 2 câu lạc bộ Phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy tên là Tân Trung và Hương Đình, gồm 93 thành viên, trong đó có cả những phụ nữ từng bị lừa bán sang Trung Quốc.

 

Một thành viên của câu lạc bộ, chị Đồng Thị Mỹ, 32 tuổi, xóm Trại đã tiếp chúng tôi bằng câu chuyện nhòe nước mắt. Chị kể: Nhà tôi nghèo, cha mẹ sinh được 8 người con. là con thứ 6. Học hết lớp 5, tôi nghỉ học ở nhà giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng. Năm 19 tuổi, thì đi rửa bát thuê cho một nhà hàng, bị người ta lừa mang bán sang Trung Quốc...

 

Mưa! Ngoài trời giăng kín nước. Từng đợt mưa gõ lộp bộp vào mái chiếc quán nhỏ. Đây là chiếc quán chị Mỹ thuê để làm nghề cắt uốn sấy tóc… đại loại là các dịch vụ làm đẹp cho chị em.

 

Nói đến tháng ngày phiêu bạt nơi xứ người, chị Mỹ tức tưởi: Xin anh đừng để tôi phải kể lại tháng ngày ê chề đó!.. Khi ấy, tôi thấy mình có lỗi, nên vội chuyển câu chuyện sang cuộc sống đời thường hôm nay. Chị Mỹ bảo: Ngày 15-7-2002, là ngày em được sinh ra lần thứ 2 trên đời. Hôm đó, tôi trở về trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và bà con lối xóm. Lúc đó, chừng 8 giờ tối, khi bước chân vào đến cửa, bố mẹ còn tưởng tôi là hồn ma hiện hình. Còn 2 mẹ con tôi đứng chết lặng khi chính thức được gặp lại người thân. Tôi oà khóc, khiến cái Hoa - con gái tôi cũng tức tưởi…

 

Tôi cũng không biết vui hay buồn khi nghe Mỹ kể lại cái giây phút gặp mặt ấy. Nhưng với một con người, có lẽ đây là giây phút không bao giờ quên, sẽ ám ảnh, theo suốt một cuộc đời. Kể từ đây, Mỹ không phải sống thân phận làm vợ như một kẻ nô lệ với người mình không yêu. Chấm dứt 8 năm "cơm Tàu' với nỗi niềm đau đáu nhớ quê hương. 8 năm ấy, Mỹ đã sinh hạ được 2 cô con gái, đẹp như tranh. Nên khi trở về, biết dặm trường đầy gian khổ, nguy hiểm, tình mẫu tử vẫn thúc ép cô mang theo 1 đứa con. Cũng chính đứa con đem về từ quốc gia khác đã khiến Mỹ, người đàn bà trở về phải chịu bao tai tiếng, dằn vặt và cả việc gây khó dễ của cán bộ chính quyền địa phương. Mỹ cho biết: Khi đi làm Giấy đăng ký khai sinh cho con gái, có cán bộ xã đòi nộp 2 triệu đồng mới làm được. Tôi không có tiền, không nộp, biết không gây khó dễ được, sau cùng người cán bộ ấy cũng cấp giấy khai sinh cho cháu.

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Đảm xóm Hương Sơn, xã Tân Hương, Phổ Yên, được cán bộ Hội Phụ nữ và bà con trong xóm thường xuyên đến động viên. Ảnh: N.C

 

Có lẽ bất hạnh chồng chất lên bất hạnh đã khiến người đàn bà bé nhỏ này trở nên cứng rắn hơn. Cháu Hoa đi học lớp mẫu giáo lúc 5 tuổi, cháu không biết nói tiếng Việt. Vậy là cháu trở thành tâm điểm của những tò mò. Tan học, cháu Hoa nói với mẹ: Con không đi học nữa, mọi người toàn đến xem thôi. Mỹ đã bảo với con: Không học, đời lại khổ như mẹ… 2 mẹ con ôm nhau khóc. Những ngày sau đó, Mỹ kiên trì ôm con đến trường, với một nguyện ước: Sau này, con gái mình sẽ là một công dân bình thường như tất cả những công dân bình thường khác. Nhưng phải hơn mẹ ở chuyện học hành, để đừng lặp lại cuộc đời buồn như mẹ.

 

Hiện cháu Hoa nói tiếng Việt sõi như người gốc Việt. Cháu đang theo học lớp 5, Trường tiểu học Tân Hương. Còn Mỹ, cuối năm 2007, thông qua Hội LHPN tỉnh, chị được Quỹ châu Á hỗ trợ 3 triệu đồng, chị mang số tiền ấy lên T.X Sông Công học nghề làm đẹp cho chị em. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với Mỹ, được  sống, được lao động ngay trên mảnh đất quê hương, được làm một con người tự do thì khổ mấy cũng là hạnh phúc.

 

Nhìn ngoài trời mưa giăng mờ mịt, tôi nhớ đến những cái tên anh em nhà Ổn Giảng Sẻo; Ổn Giảng Bàng, 2 con của chị Nguyễn Thị Nga, xóm Me (Đông Cao); Mình Hữu Rềnh, Mình Hữu Thánh, là 2 con của chị Hoàng Thị Hồng, xóm Đông Hạ (Đông Cao). Rồi nữa là các cháu Đổng Péc Vi, xóm Tuần (Đắc Sơn); Téng Xinh, xóm Trại (Tân Hương)… Theo danh sách do Công an huyện Phổ Yên cung cấp, hiện trên địa bàn huyện có 12 cháu gốc Trung Quốc theo mẹ về Việt Nam. Chính quyền địa phương đã làm giấy khai sinh cho các cháu, các cháu đều được đi học như con em người Việt. Khi trao đổi về chuyện này, chị Ngô Thị Vinh, cán bộ Hội LHPN huyện Phổ Yên cho biết: Cho đến thời điểm này (3-2009), trên địa bàn huyện Phổ Yên có 78 chị em bị lừa bán sang Trung Quốc, trong đó có 47 chị em ở lại hẳn, trong đó xã Đông Cao 7 trường hợp, xã Tân Hương 6 trường hợp và xã Tiên Phong 6 trường hợp… Còn 31 chị em khác sau khi trở về vẫn thường xuyên đi lại bên Trung Quốc.

 

Qua gặp gỡ, trao đổi, chúng tối thấy hầu như chị em đều có cuộc sống khó khăn. Nên ở góc độ tổ chức Hội LHPN, chúng tôi vận động chị em tham gia sinh hoạt tại các chi hội cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho chị em ổn định cuộc sống bằng cách vận động tham gia các lớp tập huấn KHKT về trồng trọt, chăn nuôi; vay vốn tín chấp ngân hàng để phát triển kinh tế. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, thông qua tổ chức Hội LHPN, 15 chị được Quỹ chây Á hỗ trợ với số tiền 28,8 triệu đồng để học nghề, hoặc đầu tư phát triển sản xuất, mở dịch vụ buôn bán nhỏ.

 

Trở về với quê huơng, mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng họ giống nhau là phải đối mặt với cuộc sống khó khăn về kinh tế, về nỗi đau tinh thần. Hội LHPN, tổ chức gần gũi nhất với chị em đã kịp thời có mặt để giúp chị em vợi nguôi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Cũng ở xã Tân Hươn có bà Nguyễn Thị Đảm, 57 tuổi, xóm Hương Sơn, bà bị một người bạn trai lừa bán sang Trung Quốc năm 37 tuổi. Bà kể: Khi sang đó, mất nửa tháng bọn buôn người mới giao bán được bà cho một gia đình nông dân nghèo. Sau 1 năm làm vợ người đàn ông đó, bà bị cảnh sát Trung Quốc trục xuất, đưa trả về Việt Nam. Vậy là bà thoát khỏi cuộc sống địa ngục nơi xứ người, mang theo cái thai 3 tháng tuổi. Bà đã sinh hạ được một cậu con trai có dòng máu nửa Việt, nửa Trung ngay tại ngôi nhà cha mẹ làm cho. Năm nay, con trai bà, anh Nguyễn Văn Đương, 19 tuổi, làm nghề đội cát, sỏi ở chân cầu Đa Phúc. Mỗi tháng, anh Đương mang về cho mẹ được 700.000 đồng tiền lương. Còn bà Đảm lại hằng ngày đẩy chiếc xe cũ kỹ với những thứ quà lặt vặt ra cổng trường THCS Tân Hương bán cho bọn trẻ để sinh sống.

 

Chợt bà Đảm nói vô tư: Thân một mình nuôi thằng Đương gần 20 năm rồi, nhưng tôi chỉ mang máng nhớ tên bố cháu là A Vò hay A Voòng gì đấy?.

 

Chén trà xuân bà Đảm mời, tôi chợt thấy đắng ngắt nơi cuống họng.