Nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành và của cả hệ thống chính trị

17:45, 27/03/2009

Thời điểm 01/4 đã đến gần (thời điểm 0 giờ thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở trên phạm vị cả nước), công việc chuẩn bị trên toàn tỉnh cũng đã sẵn sàng. Tại buổi họp giao ban cuối cùng (sáng 28/3) giữa Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh với ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phòng vấn nhanh đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về công tác chuẩn bị và các biện pháp chỉ đạo.

PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở của tỉnh đến thời điểm hiện tại?

Đ/C Đặng Viết Thuần: Ngay sau Hội nghị Giao ban trực tuyến của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Sinh Hùng chủ trì diễn ra ngày 24/3, chúng ta có thể thấy tính cấp bách và quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương chuẩn bị cho ngày 01/4. Đối với tỉnh Thái Nguyên, ngay khi kết thúc Hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ, Ban Chỉ đạo tỉnh đã kiểm điểm kết quả công tác chuẩn bị của từng ngành và giao một số nhiệm vụ trong tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền. Cho đến thời điểm này, có thể nói toàn tỉnh đã hoàn tất các bước chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm 01/4. Theo báo cáo của cơ quan Thường trực (Cục Thống kê tỉnh), toàn tỉnh sẽ huy động khoảng 2.000 người làm nhiệm vụ, trực tiếp thực hiện trên 3.064 địa bàn điều tra (về cơ bản mỗi thôn, tổ dân phố là một địa bàn điều tra), đến nay đã hoàn tất việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ điều tra và qua kiểm tra, các điều tra viên đều nắm vững chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu.

Về kinh phí, đến nay Ban Chỉ đạo tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ kinh phí và hướng dẫn sử dụng kinh phí đến các ban chỉ đạo cấp huyện. Các tài liệu tuyên truyền, văn phòng phẩm, các phiếu điều tra… cũng đã được chuyển đến các huyện. Hiện nay, cùng với các cơ quan báo chí (Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) tích cực tuyên truyền, các huyện đã chủ động biên soạn tài liệu theo hướng dẫn của Trung ương để đọc phát thanh qua hệ thống truyền thanh, truyền hình huyện, phát lại băng đĩa tuyên truyền và đọc truyền thanh trên hệ thống cụm truyền thanh xóm, xã chuẩn bị đầy đủ các băng zôn, khẩu hiệu treo ở các khu tập trung đông dân cư… nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra lần này.

PV: Xin đồng chí cho biết thêm tính cấp thiết và những yêu cầu của cuộc Tổng điều tra?

Đ/C Đặng Viết Thuần: Khác với các cuộc điều tra lần trước (Từ 1954 đến nay đã 6 lần điều tra, trong đó có 4 lần tiến hành Tổng điều tra trên phạm vi  cả nước), lần này điều tra trên diện rộng hơn gồm cả dân số và nhà ở, mục đích nhằm thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong giai doạn 2000-2009 và định hướng kế hoạch phát triển KT-XH cho giai đoạn 2010-2020. Tổng điều tra còn cung cấp các thông tin giám sát việc thực hiện "Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 27-CT/TW về lãnh đạo thực hiện công tác này, Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã có Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, mới đây UBND tỉnh đã có Công văn 407/UBND-TH giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo… Có thể nói văn bản chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh và huyện được ban hành rất nhiều nhằm chỉ đạo công tác này, qua đó ta có thể thấy tính quan trọng và cấp bách của cuộc Tổng điều tra. Chính vì vậy đây là nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Yêu cầu có thể nói là khắt khe với công tác điều tra là không được phép sai sót quá 0,03% vì vậy đòi hỏi khâu kỹ thuật phải rất tỉ mỉ, sâu sát và không cho phép qua loa, đại khái. Người làm điều tra, giám sát hay tổ trưởng phải có trình độ hiểu biết sâu những nội dung của cuộc Tổng điều tra, phải có lòng nhiệt tình.

PV: Có một số khó khăn như địa hình, vùng dân tộc thiểu số… Ban Chỉ đạo tỉnh có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả?

Đ/C Đặng Viết Thuần: Thực tế này chúng tôi cũng đã lường trước, tuy nhiên có những phát sinh như: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường ở núi cao, phân tán, cá biệt có hộ không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông, chúng tôi đã bố trí nhân lực làm công tác dẫn đường, hỗ trợ cho điều tra viên, thậm chí cả phiên dịch dể bảo đảm thu thập thông tin chính xác, đầy đủ, tránh tình trạng sai sót lại quay trở lại thì rất phức tạp, phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó, để tránh làm mất thời gian vật chất của nhân dân, chúng tôi đã chỉ đạo các huyện cần lập biểu thời gian, hẹn ngày đến hộ điều tra. Có như vậy người dân mới chủ động lao động, sản xuất, tránh tình trạng chờ đợi, lỡ hẹn. Ở các vùng "lõm" thông tin cần vận dụng hình thức tuyên truyền lưu động, phát băng đĩa tuyên truyền và cắt cử cán bộ đến tuyên truyền. Đặc biệt, mọi thông tin đều được cập nhật kịp thời về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh. Chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng, đó là điện thoại: 02803 854062.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!