Đại Từ có gần 115 km đường liên xã và trên 400km đường liên xóm, bản nhưng so với các huyện, thành, thị khác trong tỉnh thì chất lượng đường của địa phương này thuộc dạng yếu kém nhất. Trước thực trạng đó, từ năm 2006 đến nay, huyện Đại Từ đã chủ động trong việc huy động các nguồn lực, tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức để đầu tư phát triển giao thông…
Các tuyến đường tỉnh (ĐT) 261, ĐT 270 được nâng cấp đã giúp việc đi lại của nhân dân huyện Đại Từ vô cùng thuận lợi. Niềm vui đó tiếp tục được nhân lên khi huyện Đại Từ huy động được trên 80 tỷ đồng từ các nguồn vốn để đồng loạt thi công nâng cấp các tuyến đường liên xã: Phục Linh - Tân Linh - Phú Lạc, thị trấn Đại Từ - Khôi Kỳ - Mỹ Yên - Văn Yên; Tiên Hội - La Bằng; Cù Vân - An Khánh…với tổng chiều dài trên 36km. Riêng tuyến đường Cù Vân - An khánh, Tiên Hội - La Bằng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến Phục Linh - Tân Linh - Phú Lạc đang được nhà thầu là Công ty Cổ phần Công trình giao thông I gấp rút thi công để bàn giao cho huyện vào cuối tháng 3 này.
Đối với mạng lưới đường liên xóm, bản của các xã, thị trấn, từ năm 2006 huyện đã thực hiện cơ chế đối ứng để huy động nguồn lực trong nhân dân với cơ chế huyện hỗ trợ 33%, nhân dân đóng góp 67%. Được sự hỗ trợ này, nhiều xã như Bình Thuận, Vạn Thọ, Hùng Sơn, Khôi Kỳ, Hà Thượng… đã làm được hàng hàng trăm ki lô mét đường bê tông liên xóm, bản. Trong năm 2009 này, Đại Từ xác định là năm trọng điểm về đầu tư phát triển giao thông nên vẫn tập trung huy động vốn để sớm nhựa hóa một số tuyến đường liên xã còn lại như: Na Mao - Phú Cường - Đức Lương; Minh Tiến - Đức Lương; Mỹ Yên - Khôi Kỳ - Hoàng Nông - Phú Xuyên. Đồng thời duy trì cơ chế đối ứng, tạo điều kiện cho các xã đặc biệt khó khăn xử dụng nguồn vốn Chương trình 135 để bê tông đường nội xã. Ông Phạm Văn Quyền, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Đại Từ khẳng định: Nhiều năm qua, huyện đã xác định giao thông là yếu tố không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhưng do quá khó khăn về nguồn vốn nên không chỉ các tuyến đường do huyện quản lý mà ngay cả các tuyến tỉnh lộ chạy qua huyện cũng không được nâng cấp thường xuyên nên việc đi lại, giao thương của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2006 trở lại đây, các nguồn vốn được phân bổ về cho huyện đã được đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong lĩnh vực ưu tiên thực hiện trước.
Không chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, nhân dân ở nhiều xã của Đại Từ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm để phát triển mạng lưới giao thông bằng cách hiến đất, tài sản trên đất, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Tính đến hết năm 2008 đã có trên 3.000 hộ dân của huyện Đại Từ hiến đất, tài sản trên đất để phục các công trình giao thông với giá trị lên đến gần 10 tỷ đồng. Chúng tôi cùng cán bộ phụ trách công tác giao thông của huyện đi thực tế tại một số tuyến đường. Điều dễ nhận thấy là dù thời tiết không được thuận lợi, mưa nhiều nhưng các nhà thầu vẫn khắc phục khó khăn tổ chức thi công để bàn giao công trình theo đúng như hợp đồng đã ký. Tại công trường, anh Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ, đơn vị đang thi công một tuyến đường liên xã của huyện Đại Từ cho biết: Gói thầu của chúng tôi thuộc đoạn đường liên xã Mỹ Yên -Văn Yên dài trên 7km có nhiều đồi dốc, khe suối nhưng do nhân dân tự giác giao mặt bằng, cộng thêm được sự quan tâm thường xuyên của các cơ quan liên quan nên đơn vị thi công rất thuận lợi. Trong thời điểm những tháng mưa này, thi công mặt đường gặp khó khăn, đơn vị sẽ tập trung xây dựng cầu, tràn. Khi thời tiến thuận lợi đơ vị tiếp tục dồn lực thi công để bàn giao công trình đúng như đã cam kết với huyện Đại Từ.
Dù có những điều kiện thuận lợi nêu trên nhưng huyện Đại Từ vẫn còn nhiều cái khó trong phát triển giao thông bởi hiện toàn huyện có tới 80km đường liên xã chất lượng rất kém cần được nhựa hóa, trên 70% đường liên xóm bản là đường đất, nhỏ hẹp. Do vậy, để hoàn thiện mạng lưới giao thông nội huyện, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong huyện rất cần sự quan tâm, của các cấp, ngành cao hơn.