Phòng dịch cúm gia cầm: Lò giết mổ còn thờ ơ

10:02, 11/03/2009

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, thời điểm này dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người diễn biến rất phức tạp tại một số tỉnh trong cả nước. Tại Thái Nguyên, Chi cục Thú y tỉnh, các huyện, thành, thị và các ban ngành liên quan đang tập trung  thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Vậy nhưng, vẫn còn có những người chăn nuôi chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng coi thường các nguyên tắc phòng, chống dịch tại một số cơ sở giết mổ gia cầm tập trung để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, có thể làm lây lan dịch trên diện rộng.

 

Trong vai người đi mua gà về cho đám cưới, chúng tôi có mặt tại cơ sở giết mổ gia cầm Kiên Đoàn, ở tổ 15, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Gà nhốt ở đây lên tới cả trăm con với đủ loại như gà công nghiệp, gà siêu trứng hết “đát”, gà ta..., sẵn sàng phục vụ nhu cầu của các “thượng đế”. Lúc này là 9 rưỡi sáng, khách mua đã vãn, nên chúng tôi có điều kiện ngồi chuyện trò khá lâu với mấy cô cậu thanh niên đang thịt gà thuê tại đây. Nghe các cô cậu kể chuyện mà thấy ghê: Ai có nhu cầu bán gà, cơ sở này sẵn sàng mua tất anh ạ. Dăm ba con mấy bà chở trong lồng mang từ Phú Bình lên, xe máy đem đến cả tạ, cân hết. “Không sợ gà bị dịch cúm sao?” - tôi hỏi. Một cậu vội nói với vẻ như “thanh minh”: Lo gì anh. Gà có vẻ ốm yếu là bà chủ không cho mua... Nhưng rõ ràng gà nhập về cơ sở này không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được qua kiểm dịch. Ai dám chắc trong số những con gà đang nhốt trong chuồng kia, trông thì béo tốt đấy, nhưng lại đã chẳng ủ sẵn trong mình mầm mống vi-rút cúm gia cầm cực kỳ nguy hiểm? Gà thịt xong rồi mang ra chợ bán, ai biết đấy là đâu. Lại nữa, mấy cô cậu làm thuê ở đây toàn cắt tiết, vặt lông, mổ gà với hai bàn tay không đi găng, mặt thì không đeo khẩu trang kín miệng, mũi. Lông, tiết, phân gà vương vãi khắp nơi trong khoảng sân chưa đến 10m2 trông rất bẩn thỉu. Nước thải đổ thẳng xuống hố chứa không được áp dụng biện pháp xử lý hợp vệ sinh. Trong khi đó, nhân viên của Trạm thú y T.P Thái Nguyên lại không giám sát được chặt chẽ, thường xuyên quá trình thu mua, giết mổ, tiêu thụ tại đây. Tôi chợt nghĩ, nếu chẳng may mấy người làm ở đây thịt phải con gà bệnh, hậu quả có thể xảy đến thật khôn lường.

 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa phát hiện có gia cầm ốm, chết do mắc bệnh cúm, nhưng nguy cơ tái phát dịch là rất cao. Vì thế, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan thú y tại các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung là một trong những việc rất quan thiết lúc này, tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.