Phúc Tân, dân sẵn sàng cho con đường mới

09:00, 14/03/2009

Đồng chí Ngô Xuân Triệu, Bí thư Huyện uỷ Phổ Yên cho biết: Để phát động phong trào hiến đất làm đường, xây dựng các khu công nghiệp, Phổ Yên chọn xã Phúc Tân làm điểm, vì đây là xã nghèo nhất, khó khăn nhất của huyện. Và 100% số hộ nơi con đường đi qua đều tự nguyện hiến đất.

Những ngày tháng Ba, về Phúc Tân (Phổ Yên), chúng tôi như được hòa mình vào không khí khẩn trương, sôi động của ngày hội hiến đất mở đường. Một con đường mới, nói đúng hơn là con đường sẽ được mở mới, rộng hơn ngay trên nền đường cũ.

 

Điểm đầu tiên của tuyến đường được bắt đầu từ đường ĐT 261 (Phúc Thuận), qua Phúc Tân và nối sang đường xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Với tổng chiều dài hơn 10 km, trong đó đoạn qua Phúc Tân có hơn 6,5 km. Theo thiết kế: Nền đường rộng 6m, mặt rộng 3,5m lu lèn đá dăm, láng nhựa, với tổng vốn 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng thế giới (WB). Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã cho biết: Kể từ Phúc Thuận sang, đường sẽ đi qua các xóm 9, 8, 6, 3, 5, có 157 hộ dân bị ảnh hưởng đến công trình, trong đó có 57 hộ bị ảnh hưởng. Qua kiểm đếm sơ bộ, tại 5 xóm nêu trên, số tài sản trên đất có trị giá hơn 181 triệu đồng.

 

Theo dọc tuyến đường sẽ mở rộng trong nay mai, chúng tôi được bà con nhân dân trò chuyện đầy phấn chấn. Cụ Lê Thị Thu, 96 tuổi, người Phúc Thuận sang thăm con cháu bên Phúc Tân, cụ bảo: Bao đời nay người dân ở đây mơ có cái đường to, giờ Nhà nước giúp dân thực hiện ước mơ đó, bà con đồng tình hiến đất là đương nhiên...

 

Vâng! Cuộc đời bà Thu cũng như bao cuộc đời khác ở vùng đất Phúc Tân phải chịu cảnh nghèo do chưa có một con đường cho ra đường. Đã có lần tôi dông xe về đất này, thấy sim mua nhiều quá mà chim không về làm tổ. Hỏi mới biết, vùng đất Phúc Tân ngày trước nghiệt ngã lắm, vào khoảng những năm năm 1950, đồng bào người Sán Dìu, người Trại đất... về dọn nương, làm bãi, nhưng lại không sống nổi mà phải bỏ đất mà đi, tất cả cũng bởi việc ra - vào khó khăn. Cho tới những năm 1960, Đảng vận động bà con người Hà Nam, Ninh Bình... lên khai hoang phục hóa. Vậy là thẻo đất tút hút đầy đồi dốc lại lắm suối nhiều khe ấy thức dậy bởi bàn tay con người. Nhưng củ sắn, cây mố, đàn lợn trong chuồng và cả những nương chè xanh tốt, ngày thu hoạch tư thương theo nhau vào ép giá. Con đường xóc tức tưởi với đá, song khi mưa lại nhầy nhụa bùn đất khiến thẻo đất Phúc Tân như xa hơn với trung tâm huyện. Vậy nên từ ngày lập làng, các cụ đã ví đây như vùng đất nằm đáy giỏ, vào rồi không ra được. Trò chuyện với chúng tôi, một cụ già vẻ uyên thâm, am tường địa lý bảo: Phúc Tân bị dải núi Thằn lằn và dòng sông Công ép vào giữ, nên việc mở mang đất đai, làm giàu của nhân dân rất khó khăn. Để thoát nghèo, cách tháo gỡ chỉ có cách độc nhất là việc mở một con đường lớn nối sang T.P Thái Nguyên và xuôi về Phúc Thuận (Phổ Yên).

 

Câu chuyện của ông khiến tôi nhớ lại lời của Chủ tịch UBND xã Phúc Tân Trần Hồng Thái: Đi họp huyện là việc cực chẳng đã. Chúng tôi phải ngược đèo sang T.P Thái Nguyên rồi xuôi về huyện. Có mất thêm chút thời gian, nhưng đổi lại, mình được mặc quần áo không lấm lem bụi đất… Hôm đó, ông Thái đã ngẩn ngơ nhìn ra khu nhà UBND xã  đang được thi công, ông phàn nàn: Đúng kế hoạch, khu nhà này được xây dựng hoàn thiện từ hơn 6 tháng trước. Nhưng do con đường vào khó khăn, tiến độ thi công cũng chậm lại. Cũng bởi thế mà đời sống của người dân xã Phúc Tân gặp rất nhiều khó khăn, cho tới đầu năm 2009 này, trong tổng số hơn 700 hộ dân của xã, thì có tới 280 hộ nghèo, bằng 40%.

 

Như một sự giải toả ông thở phào: Nay mai đường hoàn thiện, người dân Phúc Tân chúng tôi có thể mang chè sang thành phố bán trực tiếp cho các đại lý lớn; hoặc mỗi tối rủ nhau về huyện Phổ Yên uống cà phê mà công việc vẫn không bị đình đốn…

 

Chúng tôi cùng ra hiện trường, nơi có những người dân đang tự tay chặt hạ cây rừng, dỡ bỏ hoa màu, tài sản trên đất để con đường đi qua. Trong rộn rã tiếng máy xúc, máy gạt bập gầu vào bờ ta luy, tiếng máy cưa rít liên hồi cho từng vạt keo rừng đổ xuống. Ông Phan Chu Sinh, xóm 5 đang thu dọn trong ngổn ngang cây đổ, thấy chúng tôi, ông hồ hởi nói: Gia đình tôi có 2.000 m2 đất hiến cho con đường, nếu đường làm rộng hơn, chúng tôi cũng hiến thêm. Còn bà Vũ Thị Tính, xóm Yên Ninh cho hay: Gia đình tôi đã chặt 50 cây keo, hơn 10 cây vải và 1 cây trám mỗi năm cho thu hoạch hơn 1 tạ quả. Có mặt trong "những ngày hội mở đường", ông Dương Văn Sập, người tự nguyện đi giúp bà con chòm xóm giải phóng mặt bằng công trình, bảo: Chưa bao giờ ở Phúc Tân lại có những ngày vui như thế này, toàn xã có tới 157 hộ được chính quyền địa phương trao Giấy chứng nhận "Tấm lòng vàng hiến đất làm đường giao thông".

 

Ông Trần Trọng Lự, cư dân xóm 5 đã nói với chúng tôi rất hình tượng: Xã Phúc Tân có trên 3 nghìn nhân khẩu nên đây là con đường của hơn 3 nghìn ước mơ. Bên xóm 6, ông Nguyễn Doanh Phúc cũng gần bước vào tuổi xưa nay hiếm, bảo: Không gì vui hơn là việc được hiến đất cho Nhà nước mở đường, được cống hiến một chút tài sản riêng cho cộng đồng xã hội… Mỗi người góp một câu, khiến câu chuyện dài thêm mãi.

 

Ông Đào Xuân Thất nói như một đúc kết: Trước đây, người dân miền xuôi chúng tôi vâng lời Đảng lên đây lập nghiệp; tích cực thực hiện phong trào xóa đói giảm nghèo, nay nhân dân chúng tôi hiến đất làm đường, một con đường sẽ mở ra cho vùng đất Phúc Tân những triển vọng, cơ hội mới, rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo với các xã trung tâm huyện.

 

… Câu nói ấy của ông khiến chúng tôi cảm động, thầm ước: Giá như ở các địa phương khác của huyện Phổ Yên cũng như của tỉnh, khi công trình Quốc lộ 3 đi qua, hoặc ở nơi được giải tỏa dành đất cho xây dựng khu công nghiệp mới, người dân ở đó đều tích cực ủng hộ như người dân vùng đất nghèo xã Phúc Tân thì hạnh phúc biết bao.