Rau an toàn ở T. P Thái Nguyên: Cần có một thương hiệu

13:05, 12/03/2009

Được manh nha từ những năm 1998 - 1999, nhưng đến nay việc sản xuất rau an toàn  trên địa bàn T.P Thái Nguyên mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất thí điểm, nhỏ lẻ. Bởi, người sản xuất rau rơi vào tình trạng sản phẩm làm ra không cạnh  tranh được các loại với rau bình thường do chưa có thương hiệu.

Tham quan vườn rau của gia đình chị Nguyễn Đình Hợi, tổ 8, phường Túc Duyên, một trong số ít hộ còn làm rau an toàn theo đúng quy định, chúng tôi mới thấy được sự cầu kỳ, vất vả khi làm ra một sản phẩm rau an toàn. Đất trồng rau được làm nhỏ mịn, đánh luống thẳng tắp, chiều cao của bề mặt luống so với rãnh vừa phải. Trên bề mặt của các luống rau sạch bóng, không hề có cỏ và dấu tích của nước tưới bẩn. Giữa vườn rau có hai vòi nước sạch được bơm  từ nguồn một giếng khoan cách đó không xa. Mặc dù đứng giữa vườn rau nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không hề ngửi thấy mùi thuốc sâu hay mùi xú uế của phân. Nhanh tay điều chỉnh vòi nước để tưới cho mấy luống hành, chị Hợi tâm sự: "Trước đây,  mỗi năm từ 3 sào rau, trừ chi phí gia đình tôi thu về khoảng 50 triệu đồng. Nhưng từ khi làm rau an toàn, hiệu quả kinh tế bị giảm đi 10 đến 15 triệu đồng do phải chi phí cao hơn rau bình thường. Mặc dù thu nhập thấp hơn so với làm rau thường nhưng vợ chồng tôi vẫn kiên trì làm vì chúng tôi đã nhận ra một điều: sản xuất rau an toàn chính là giữ an toàn sức khoẻ cho gia đình mình và người mua".

 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Vũ Công Định, Phó phòng Kinh tế thành phố, phụ trách mảng Nông nghiệp thông tin thêm: mô hình sản xuất rau an toàn được manh nha từ những năm 1998 - 1999 nhưng đến năm 2004, mô hình này mới được triển khai rộng tại 2 hợp tác xã là Đại Đồng và Tiến Ninh, phường Túc Duyên với quy mô gần 15ha do Hội Nông dân và Trạm khuyến nông thành phố đứng ra triển khai. Năm 2007, Trạm Khuyến nông tiếp tục đứng ra xây dựng 15ha rau an toàn ở các phường: Túc Duyên, Gia Sàng, Lương Sơn và Thịnh Đức. Nhưng vì không có kinh phí để tiếp tục thực hiện nên các mô hình này mới dừng lại ở các lớp tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn. Tuy nhiên, qua các mô hình trình diễn này các hộ tham gia đã được trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất rau an toàn. Đồng thời, hình thành được ý thức cho người trồng rau hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn. Để nhân rộng mô hình, tăng diện tích, số lượng rau an toàn cung cấp ra thị trường, tháng 8 năm 2007, được sự phê duyệt của UBND thành phố, Trạm Khuyến nông đã thực hiện Đề án "Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn" giai đoạn 2007 - 2010, với quy mô 10ha cho 100 hộ ở phường Túc Duyên. Tuy nhiên, mục tiêu của Đề án là sẽ khó thực hiện bởi khi xây dựng Đề án, công tác quy hoạch chi tiết chưa có; nhận thức của người nông dân về rau an toàn chưa được đồng bộ vì họ vẫn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu; thiếu kinh phí khi thực hiện đề án. Bên cạnh đó kinh nghiệm ứng dụng sản xuất rau an toàn của cán bộ chỉ đạo và người thực hiện còn thiếu, yếu vì chưa được đào tạo bài bản…

 

Đặt câu hỏi về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, ông Đăng Ngọc Triệu, Chủ tịch Hợp tác xã Đại Đồng, phường Túc Duyên cho biết sản xuất rau an toàn phải đảm bảo được các điều kiện như: đất trồng không bị tác động của các chất thải công nghiệp, xa bệnh viện, xa khu nghĩa trang; không sử dụng phân tươi, nước giải tươi để bón, tưới; không dùng nước thải từ khu công nghiệp, bệnh viện, nước ao tù, mương tù đọng và không được lạm dụng thuốc BVTV, tuyệt đối không được sử dụng thuốc BVTV trong nhóm cấm để phun khi rau xuất hiện sâu. Chính vì phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện trên nên người trồng rau sẽ phải chi phí cao và vất vả hơn so với sản xuất rau bình thường. Hơn nữa, thành phố lại chưa có thị trường tiêu thụ rau an toàn ổn định. Tỉnh và thành phố chưa có thiết bị kiểm định mẫu đất, nước và cũng chưa có cơ quan nào đứng ra giám sát về tiêu chuẩn chất lượng rau an toàn.

 

Mặt khác, tại một số quầy giới thiệu và bán rau an toàn những năm trước đây chỉ tồn tại trong vài tháng vì không bán được sản phẩm do các quầy này không có giấy chứng nhận rau an toàn để chứng minh với người mua về sản phẩm của mình. Nhằm sản xuất, tiêu thụ và xây dựng được thương hiệu cho rau an toàn, thành phố đang có những định hướng, giải pháp cho người trồng rau như: hỗ trợ kinh phí cho người làm rau an toàn, mở quầy giới thiệu sản phẩm, điểm bán hàng lâu dài; tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao khoa học kỹ thuật; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để người dân tiếp cận và sử dụng rau an toàn… Để từ đó, sản phẩm rau an toàn sẽ không bị đánh đồng với các loại rau bình thường. Có như vậy, người sản xuất và người mua mới yên tâm khi đứng trước một sản phẩm gọi là rau an toàn.