Tai nạn lao động vẫn đáng báo động

09:52, 14/03/2009

Mỗi năm trên cả nước xảy ra trên 4.000 vụ tai nạn lao động làm 4.400 người bị nạn; số người mắc bệnh nghề nghiệp hơn 20.000 người; tình hình cháy nổ vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ cháy lớn đã xảy ra.  

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mặc dù số vụ tai nạn lao động trong năm qua đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Năm nào chúng ta cũng tổ chức Tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ nhằm cảnh báo và ngăn chặn các vụ tai nạn lao động, các vụ cháy nổ, đảm bảo an toàn sản xuất và đời sống, nhưng tác động chưa nhiều. “Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác” an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ”, là chủ đề Tuần lễ Quốc gia về An toàn Vệ sinh lao động – phòng chống cháy năm nay được tổ chức từ ngày 15/3 đến 21/3/2009 tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

 

Tuần lễ Quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động – phòng, chống cháy nổ được tổ chức lần đầu tiên năm 1999. Như vậy, đã có 11 Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ diễn ra.

 

Việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ trong hơn 10 năm qua về cơ bản đã đạt được mục đích đề ra: Phát động được phong trào chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến đáng kể nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp, nhất là đối với người sử dụng lao động và ý thức hơn về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Nhờ đó, các hoạt động cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ được tăng cường.

 

Bên cạnh đó, bộ máy làm công tác bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên, vệ sinh viên ngày càng được củng cố, các quy trình kỹ thuật an toàn, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn thường xuyên được rà soát, bổ sung kịp thời. Chính từ những chuyển biến đó, số lượng các vụ tai nạn lao động trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao được kiềm chế.

 

Hoạt động của Tuần lễ An toàn - Vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cũng góp phần tích cực thúc đẩy việc phối hợp chặt chẽ trong công tác này giữa các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các đơn vị sản xuất kinh doanh.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cũng bộc lộ không ít hạn chế. Trên thực tế số vụ tai nạn lao động và cháy nổ xảy ra vẫn còn nhiều, gây thiệt hại lớn đến tài sản và tính mạng cũng như sức khoẻ của người lao động và các tổ chức doanh nghiệp.

 

Mỗi năm trên cả nước xảy ra trên 4.000 vụ tai nạn lao động làm 4.400 người bị nạn; số người mắc bệnh nghề nghiệp hơn 20.000 người; tình hình cháy nổ vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ cháy lớn đã xảy ra. Nguyên nhân của tình hình đó là ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động chưa cao, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề và trong sản xuất nông nghiệp.

 

Một số hoạt động của tuần lễ chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức, mới chỉ tập trung chủ yếu ở các khu đô thị, khu công nghiệp và trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa thu hút được doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, làng nghề. Công tác lập kế hoạch và báo cáo về việc triển khai Tuần lễ còn chậm. Kinh phí đầu tư cho hoạt động tổ chức Tuần lễ ở một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn hạn chế.

 

Chính vì vậy, việc đổ mới tổ chức Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cần bảo đảm yêu cầu tiết kiệm, tránh phô trương hình thức và phải thu hút được sự quan tâm của đông đảo người sử dụng lao động và phòng chống cháy nổ.

 

Sau lễ phát động, cần tổ chức các hoạt động khác như thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật tổ chức triển lãm lưu động về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ. Công tác an toàn về vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ phải đi vào thực chất. Mọi hoạt động của Tuần lễ này cần được gắn liền với mục tiêu của Chương trình Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.

 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác về các chính sách, chế độ của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, về các gương điển hình thực hiện tốt công tác này. Chỉ có tránh phô trương hình thức và đi vào thực chất, huy động được sự tham gia của mọi người thì “Tuần lễ An toàn -Vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ” mới đạt hiệu quả cao.