Theo kế hoạch năm 2009, Thái Nguyên phấn đấu thực hiện trồng mới 4.500 ha rừng thuộc Dự án 661, trong đó có 750 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 3.750 ha rừng sản xuất. Đến cuối tháng 3, các vườn ươm đã thực hiện gieo ươm được gần 10 triệu cây giống lâm nghiệp, trong đó có hơn 6 triệu bầu keo tai tượng hạt giống ngoại nhập.
Qua kiểm tra của cán bộ chức năng thuộc Ban Quản lý Dự án 661 tỉnh, 100% cây giống tại các vườn ươm sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại và bảo đảm đáp ứng đủ cây giống cho nhu cầu trồng rừng trong nhân dân. Cũng thời gian này, cơ quan chức năng đã thực hiện thiết kế được gần 100% diện tích đất trồng rừng theo kế hoạch; khoảng hơn 60% diện tích đất đã được các hộ dân tham gia trồng rừng thực hiện việc xử lý thực bì, cuốc, lấp hố đợi xuống cây.
Để việc trồng rừng đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm nay, Ban Quản lý Dự án 661 của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ở các huyện, thị và thành phố phối hợp cùng cơ sở, mở các lớp tập huấn trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho nhân dân. Theo đó, kỹ thuật trồng rừng được thay đổi từ mật độ hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 2 m, tương đương với số lượng cây giống 2.500 cây/ha trước đây, thay bằng việc trồng hàng cách hàng 3 m, cây cách cây 2 m; kích cỡ hố vẫn như cách làm trước đây: 30cm x 30cm x 30 cm; tương đương với số lượng cây giống 1.660 cây/ha. Như vậy, theo mật độ trồng rừng mới của năm 2009, mỗi ha giảm hơn 840 cây. Trên mỗi ha, người trồng rừng giảm được khoảng 30 công đào hố, công trồng và một lượng phân bón cần thiết cho mỗi cây giống lâm nghiệp, tương ứng với số tiền khoảng gần 3 triệu đồng/ha.
Nét mới của vụ trồng rừng là UBND tỉnh Quyết định nhập 100 kg hạt giống keo từ úc từ nguồn ngân sách tỉnh, toàn bộ số hạt giống này được giao cho các cơ sở sản xuất uy tín, có đủ điều kiện sản xuất cây giống lâm nghiệp là Công ty Lâm nghiệp Đại Từ, Trạm giống nông, lâm nghiệp Gia Sàng (T.P Thái Nguyên); Ban Quản lý rừng phòng hộ Định Hóa… gieo ươm phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2009. Với giống keo nhập ngoại này, chu kỳ rừng có thể rút ngắn lại từ 7 năm xuống còn 6 năm, nhưng sản lượng rừng vẫn đạt bằng hoặc tương đương, song giá trị rừng đạt cao hơn.
Trong cơ chế chính sách năm nay cũng có sự đổi mới tạo thuận lợi cho người trồng rừng. Năm 2008 về trước, mỗi ha người trồng rừng được hỗ trợ 1,75 triệu đồng cho cây giống, phân bón. Vụ trồng rừng năm 2009 này, Dự án hỗ trợ về phân bón cây giống người trồng rừng ở các xã đặc biệt khó khăn là 2 triệu đồng/ha; các xã còn lại Nhà nước thực hiện hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số là 2 triệu đồng/ha; người Kinh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha.