Nói đến nghề “cô nuôi dạy trẻ” ít ai nghĩ có cả “đấng mày râu” tham gia. Nhưng khi về Phú Bình, được tận mắt thấy 2 thầy giáo: Phạm Thanh Chinh (Trường mầm non xã Tân Thành) và Hoàng Văn Thể (Trường mầm non xã Tân Đức) làm tất tật mọi việc của 1 cô nuôi dạy trẻ thì chúng tôi mới vỡ lẽ: Thì ra, cái nghề tưởng chừng như chỉ để dành cho phụ nữ ấy lại được những người đàn ông làm rất tốt...
Chúng tôi đến Trường mầm non xã Tân Thành vào đúng giờ các cháu chuẩn bị ăn cơm trưa. Nhìn cách thầy giáo Phạm Thanh Chinh ân cần hướng dẫn từng cháu rửa tay, trong tôi bỗng trào dâng một cảm xúc bâng khuâng khó tả. Dẫu vẫn biết, đã là giáo viên mầm non thì phải đảm nhận tất tật mọi việc từ dạy hát, dạy viết đến lau mặt, rửa tay. Tôi hỏi Chinh: Làm công việc vốn được cho là của phụ nữ, có ngại không? Thật thà và thẳng thắn, Chinh nói: Lúc đầu thì có, nhưng dần dần thành quen. Chinh tâm sự: thi trượt Đại học Y, mình ở nhà làm ruộng cùng gia đình và làm Bí thư chi đoàn xóm Cầu Muối. Thấy mình tham gia công tác đoàn sôi nổi, nhiệt tình nên cô hiệu trưởng trường mầm non của xã có ý mời làm giáo viên cho trường. Vốn yêu con trẻ, mình nhận lời “thử việc” 2 ngày. Thấy có khả năng, cô hiệu trưởng nhận mình vào làm thử. Một thời gian sau, xã Tân Thành mở đợt thi tuyển giáo viên mầm non, mình dự thi, trong tổng số 15 thí sinh, xã chọn 5 người, mình giành điểm cao thứ 2.
Cũng đúng vào thời điểm này, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo Phú Bình mở lớp trung cấp Sư phạm bậc mầm non tại huyện, Chinh đã đăng ký tham gia. Thời gian đầu đi làm, nhiều cháu gọi Chinh bằng bố, xưng con khiến Chinh ngượng lắm. Chinh “chấn chỉnh” các cháu phải gọi chú, xưng cháu. Một lần, cô Loan, cán bộ Sở Giáo dục- Đào tạo vì chút “tò mò” đến lớp Chinh dự giảng, thấy cách xưng hô kỳ lạ, hỏi Chinh “Em có biết tại sao gọi là trường mẫu giáo không”? Chinh đáp: Mẫu là mẹ, giáo là giáo dục. Mẫu giáo có nghĩa là giáo dục theo kiểu ở gia đình. Cô Loan cười, nói: Em hiểu như thế gần đúng rồi đấy. Vậy thì em phải xưng hô lại với các con cho đúng: Phải là thầy - con, hoặc là thầy - em. Từ đó, Chinh mới hết ngượng khi được các trò gọi là thầy hay là bố.
Khi mới đi làm, Chinh thường bị bạn bè, người quen trêu là chị. Một số người còn đến tận lớp Chinh dạy để… xem trộm. Ngày mùng 8/3, Chinh cũng nhận được quà là… gương, lược, bút kẻ mắt... Chinh tủi thân lắm và cũng có lúc cảm thấy nản lòng. Nhưng được sự động viên của những người thân và đồng nghiệp, bản thân Chinh cũng nhận thức được công việc đang làm tuy vất vả nhưng đầy niềm vui, hạnh phúc nên chỉ sau một thời gian ngắn, mọi người không còn thấy Chinh đỏ mặt khi bị trêu chọc. Giờ thì, chẳng ai còn trêu Chinh nữa và ai cũng rất yên tâm khi có con học lớp thầy Chinh.
Thầy giáo Phạm Thanh Chinh trong giờ dạy hát. Ảnh: T.H
Học xong trung cấp, Chinh tiếp tục theo học đại học tại chức khoa Mầm non của Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Lấy vợ đến nay được gần 4 năm, có một bé gái hơn 2 tuổi nhưng dường như Chinh chưa giúp được vợ, con việc gì nhiều vì ngày nào cũng cũng như ngày nào, Chinh phải đến trường từ 6 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút. Thứ 7, Chủ nhật và 2 tháng hè lại đi học. Từ nhà đến trường hơn 40km nhưng suốt 4 năm học qua, Chinh chưa một lần đến lớp muộn hay nghỉ học tự do. Chinh bảo: Mình là thầy, dạy học sinh chấp hành tốt nội quy của trường thì bản thân cũng phải gương mẫu. Khi hỏi về mong ước lớn nhất đối với Chinh hiện nay, Chinh bảo nhiều lắm, nhưng trước hết là có được 4 bộ cửa sổ để phân trường nơi Chinh dạy, cả thầy và trò đều không bị giò lùa khi đông đến...
Tạm biệt Chinh, chúng tôi tiếp tục tìm đến Trường mầm non xã Tân Đức - nơi thầy giáo Hoàng Văn Thể đang công tác. Có nhiều điểm chúng tôi tìm thấy ở Thể và Chinh giống nhau: đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Bình; cả 2 sinh năm 1982, đều rất nhiệt tình tham gia sinh hoạt đoàn tại địa phương và được kết nạp vào Đảng khi bước sang tuổi 22. Chinh và Thể cùng học lớp trung cấp Mầm non và đang đảm nhận dạy lớp 5 tuổi. Chinh hiện là Bí thư Chi bộ còn Thể là Phó Bí thư Chi bộ Nhà trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thể dự thi Đại học Công đoàn. Thiếu nửa điểm, Thể cũng định năm sau thi “phục thù”. Thời gian ở nhà, Thể đến nhà cô Ngọc - Hiệu trưởng trường Mầm non của xã chơi. Đọc giáo án của cô, Thể vô tư bảo: Thế này cháu cũng làm “ngon”. Lúc ấy, Trường đang thiếu giáo viên nên cô Ngọc đã động viên Thể thử việc. Thể vốn yêu trẻ nên nhận lời. Qua 1 tuần dạy thử, cô Ngọc rất hài lòng. Dạy một thời gian, Thể được Nhà trường tạo điều kiện theo học lớp trung cấp Sư phạm Mầm non tại huyện, học xong trung cấp, Thể tiếp tục theo học hệ cao đẳng.
Cũng như Chinh, thời gian đầu theo nghề, Thể thường bị các bạn và người quen diễu cợt “Hết nghề hay sao mà lại chọn cái nghề của đàn bà”. Thể kiềm chế và an ủi mình “Trêu chán thì thôi chứ giải thích nhiều cũng chẳng để làm gì. Rồi mọi người sẽ hiểu và tôn trọng mình”. Và đúng như vậy. Sự mạnh mẽ cùng với tình yêu thương con trẻ khiến bọn trẻ rất quấn quýt thầy. Nhìn Thể chia cơm, dặn các con phải ăn thật nhiều, rồi đếm 1, 2, 3 cùng nhắm mắt đi ngủ... chúng tôi hiểu, Thể là người rất tâm huyết với nghề.
Thể không giấu giếm: Cũng như nhiều giáo viên khác, mình chỉ mong sống được bằng nghề. Mặc dù hiện nay thu nhập của giáo viên mầm non dân lập đã khá hơn trước rất nhiều nhưng với 500 nghìn đồng tiền lương do học sinh đóng góp cùng với 500 nghìn đồng do tỉnh hỗ trợ, sau khi trừ bảo hiểm, mỗi giáo viên như mình còn 835 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, thời gian làm của bọn mình không phải là 8 mà là 12 giờ/ngày. Với mức lương này, cuộc sống của giáo viên mầm non dân lập hiện nay rất vất vả. Hầu hết phải làm thêm nghề phụ hoặc phải tăng gia thêm tại gia đình. Thể chân thật: Biết chơi đàn ooc-gan nên mình hay được mời đánh ở các đám cưới, hội hè. Mỗi đám cũng được 300 nghìn đồng. Tháng nhiều thì được gần 2 triệu, tháng ít cũng được 5-7 trăm nghìn. Nhiều người khuyên chuyển nghề khác vừa đỡ vất vả, vừa có thời gian giúp vợ, thu nhập lại cao, nhưng mình nghĩ: Được làm nghề mình thích thì khó khăn mấy cũng phải cố gắng và khắc phục.
Trên con đường trở về thành phố, hình ảnh 2 thầy giáo Chinh - Thể quấn quít với học trò cứ vương vấn trong tâm trí tôi khiến tôi thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Giờ thì tôi đã hiểu hơn về nghề giáo viên mầm non. Tôi cũng hiểu rằng, trên đời này, chẳng có công việc nào là của riêng đàn ông, cũng chẳng có công việc nào là của riêng phụ nữ. Chỉ có điều, khi đến với mỗi công việc, chúng ta hãy hết lòng vì nó. Và khi đó, mỗi người sẽ tìm thấy được niềm vui và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.