Thu hồi ''tàu cổ'' ở Hưng Yên

08:34, 16/03/2009

UBND tỉnh Hưng Yên đã ký quyết định thu hồi con tàu cổ do anh Hà Công Chuôm trục vớt được để phục vụ công tác nghiên cứu và phục dựng. Nhiều khả năng, đây là tàu buôn Trung Quốc từ thế kỷ XIX.

Câu chuyện “giằng co” về “chủ sở hữu” con tàu cổ của anh Hà Công Chuôm (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) với chính quyền xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau 2 tuần qua, kể từ ngày anh Chuôm trục vớt nó lên dưới đáy sông Hồng, cũng đã tạm thời có hồi kết khi UBND tỉnh Hưng Yên chính thức công bố quyết định thu hồi con tàu này, giao cho Bảo tàng tỉnh Hưng Yên nghiên cứu, phục dựng.

Ông Nguyễn Duy Hy, Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết: “Từ khi trục vớt lên đến nay, con tàu đã mất đi một số lá đồng ốp ngoài vỏ tàu và một số chi tiết khác. Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng vận động người dân giao nộp lại, tránh bị tẩu tán. Sau khi tỉnh ra quyết định, chúng tôi sẽ đưa tàu về bảo tàng tỉnh, tại đó mới có điều kiện nghiên cứu, phục dựng".

Khi được hỏi về quyền lợi của anh Hà Công Chuôm, người đã bỏ ra 224 triệu để trục vớt con tàu trong gần 1 tháng trời, ông Hy nói: Theo quy định của pháp luật, nếu anh Chuôm, người trục vớt tàu, tự giác kê khai, giao nộp toàn bộ các đồ vật có trên tàu, Nhà nước sẽ trả anh Chuôm chi phí trục vớt và thưởng công anh xứng đáng. Nhưng nếu anh Chuôm và những người liên quan tẩu tán, bán các cổ vật trái phép sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho biết: Sáng 16/3, chúng tôi sẽ họp tại UBND xã Đại Tập để công bố quyết định thu hồi con tàu này. Khi Nhà nước tịch thu, đưa con tàu về bảo tàng, UBND tỉnh sẽ tính kinh phí thực tế chi cho việc trục vớt để trả cho anh Chuôm, người có công phát hiện, trục vớt con tàu. Ông Hiếu nói thêm: "Với những dấu hiệu như tàu chở nhiều củ nâu (đồ nhuộm), có hộp gỗ kích thước 45x45cm để đựng đồ cá nhân, ở thân hòm có khắc chữ Hán, dịch ra có nghĩa là Giang Nam, cộng với việc tàu chạy bằng máy hơi nước, loại tàu rất phổ biến ở Trung Quốc thế kỷ XIX. Vì vậy, theo tôi, nhiều khả năng đây là tàu buôn từ Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX”.

Tuy nhiên, ông Hiếu vẫn băn khoăn với giả thiết đây là tàu buôn vào cảng Phố Hiến (Hưng Yên) vì vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, thương cảng này đã suy tàn.