14 trung tâm dạy nghề của tỉnh Thái Nguyên đang đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng 13 nghìn lao động trên địa bàn mỗi năm. Tuy nhiên, số trung tâm dạy nghề đủ khả năng tổ chức đào tạo nghề ngoài chỉ tiêu (không có hỗ trợ từ ngân sách) lại không nhiều và chất lượng đào tạo nghề tại các trung tâm nêu trên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng...
Từ năm 2002 đến năm 2008, ngân sách Nhà nước chi ra khoảng 18 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn, hỗ trợ cho 14 trung tâm dạy nghề trực thuộc các sở, ngành, UBND của 9/9 huyện, thành, thị để tổ chức dạy nghề ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu lao động, cho các doanh nghiệp và giải quyết việc làm tại chỗ. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, các trung tâm dạy nghề của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ tỉnh; Tỉnh đoàn và trung tâm dạy nghề cấp huyện đã liên tục chiêu sinh các khóa đào tạo nghề như: May công nghiệp, hàn, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các nghề liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Riêng năm 2008, các đơn vị nêu trên đã tổ chức đào tạo trực tiếp và liên kết đào tạo cho 8.200 lao động và năm 2009 này kế hoạch đào tạo nghề của các trung tâm trực thuộc tỉnh là 13.300 người.
Trong những nghề nêu trên thì chỉ có một số nghề như may công nghiệp, kỹ thuật trồng, chăn nuôi đã giúp lao động tìm được việc làm ở các doanh nghiệp hoặc tổ chức sản xuất tại chỗ, còn lại lao động học nghề rất khó tìm được việc làm. Đơn cử năm 2008, một số trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh chiêu sinh dạy tiếng Hàn Quốc để phục vụ xuất khẩu lao động nhưng đến nay hầu hết các học viên đều bỏ đi làm việc khác vì mãi không xuất khẩu được. Các lao động học nghề cơ khí từ các trung tâm dạy nghề tuyến huyện cũng khó xin việc vì tay nghề còn non.
Điều đáng nói hơn là ngoài chỉ tiêu đào tạo nghề có hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các đối tượng như: Gia đình chính sách; người khuyết tật; người nghèo; lao động ở nông thôn bị thu hồi đất thì chỉ có 4 trung tâm dạy nghề của Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ, T.P Thái Nguyên tự tổ chức dạy nghề còn lại các trung tâm khác hết chỉ tiêu là cán bộ “ngồi chơi xơi nước”. Hạn chế nữa là sau khi thành lập các trung tâm dạy nghề, bộ máy quản lý được “cố gắng” bố trí từ các phòng, ban chuyên môn của cấp huyện, ngành nên trình độ chuyên môn, số lượng cán bộ đều không đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định (mỗi trung tâm dạy nghề hiện chỉ có từ 3 đến 5 cán bộ). Là cơ sở đào tạo nhưng các trung tâm dạy nghề không có giáo viên chuyên nghiệp nên trước khi mở lớp đào tạo lãnh đạo các trung tâm lại tìm đến các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn để hợp đồng tìm thầy. Tìm được thầy sau đó mới chiêu sinh tổ chức lớp dạy nghề, do đó nhiều khi nghề đào tạo ra không hoặc chưa phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tìm hiểu tại một số trung tâm dạy nghề cấp huyện, chúng tôi thấy từ tư vấn, đào tạo, tuyển sinh và “lấn sân” sang cả lĩnh vực khuyến nông (hiện ngành Nông nghiệp và PTNT đã có đầu mối tới tận xã) nhưng không lĩnh vực nào các trung tâm dạy nghề có tính chuyên nghiệp, tạo được uy tín với lao động trên địa bàn. Anh Phan Văn Bình, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Chất lượng chuyên môn của các trung tâm dạy nghề thuộc tỉnh quản lý hiện nay chưa đồng nhất, một số trung tâm hoạt động còn thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ tiêu đào nghề được giao hàng năm. Bị động về giáo viên và năng lực quản lý còn hạn chế nên cơ cấu ngành nghề đào tạo của các trung tầm nhiều khi không gắn được với nhu cầu của xã hội...
Việc đầu từ xây dựng các trung tâm dạy nghề của các ngành và ở tuyến huyện là việc làm cần thiết vì từ thực tế nhu cầu của ngành, địa phương, các trung tâm dạy nghề xây dựng được kế hoạch đào tạo những nghề phù hợp, phát hiện được những cán bộ giỏi đang công tác ở cơ sở để truyền dạy kiến thức cho người lao động; người học nghề cũng giảm được chi phí do được học nghề tại chỗ. Song, trong điều kiện thiếu về cơ sở vật chất, nhân lực như hiện nay thì theo chúng tôi, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành, thị nên xác đĩnh rõ hơn nữa về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm dạy nghề thuộc tỉnh quản lý. Để từ đó có chiến lược phù hợp cho các trung tâm dạy nghề, nhằm gắn đào tạo nghề với việc chuyển dịch cơ cấu ngay tại địa phương, tránh tình trạng lao động đào tạo ra không được tuyển chọn vào làm việc trong các doanh nghiệp, tạo việc làm tại chỗ cũng không xong.