Ngày 20 tháng Giêng, tôi dậy sớm hơn để hòa vào dòng người trẩy hội Chùa Hang (thị trấn Chùa Hang - Đồng Hỷ). Thị trấn Chùa Hang chỉ cách T.P Thái Nguyên chưa đầy 4 km, nhưng chỉ vào ngày lễ hội tôi mới lại có dịp ghé qua.
Lần nào cũng vậy, sau khi làm xong các thủ tục khấn lễ, tôi cũng cố gắng leo lên mỏm đá cao nhất của ngọn núi Chùa Hang để phóng tầm mắt ngắm nhìn về 4 phương trời, cảm nhận sự đổi thay trên quê hương. Nhà cao tầng với nhiều kiểu dáng hiện đại mọc lên nhiều hơn thay thế dần những ngôi nhà tranh vách đất siêu vẹo; đường làng ngõ xóm được bê tông hóa đi lại thuận tiện; nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất kinh doanh mọc lên san sát, chợ búa đông đúc, sầm uất… khẳng định sự phát triển không ngừng của một thị trấn vùng cửa ngõ phía Bắc thành phố.
Năm 2008, thị trấn Chùa Hang thu ngân sách đạt hơn 3 tỷ đồng, bằng 117,6% kế hoạch huyện giao. 2.268/2589 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đặt 87,6%, tăng 86 hộ so với năm 2007; 8/42 tổ dân phố văn hóa, tăng 4 tổ; 9/9 cơ quan văn hóa, tăng một cơ quan so với năm 2007; số hộ nghèo giảm từ 92 hộ xuống còn 44 hộ… Chỉ cần một vài con số nêu trên đã phần nào chứng minh sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Nhưng qua trao đổi với đồng chí Đỗ Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, thì những kết quả đó chưa làm các anh vui vì thị trấn vẫn còn hộ nghèo. Các anh mong muốn vào một ngày gần nhất, thị trấn Chùa Hang sẽ xóa xong số hộ nghèo, để vào lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập (năm 2010), thị trấn sẽ vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Đảng và Nhà nước trao tặng trong niềm vui trọn vẹn.
Đúng là niềm vui chưa trọn vẹn khi bên cạnh chúng ta vẫn còn có những hộ dân lam lũ trong đói nghèo, với bộn bề những khó khăn, thiếu thốn. Bài toán xóa đói giảm nghèo luôn là bài toán khó không chỉ đối với cấp uỷ, chính quyền thị trấn Chùa Hang. Với đặc thù phần lớn số dân trên địa bàn là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, cả thị trấn chỉ có hơn 10 hộ làm nông nghiệp, nên địa phương xác định cơ cấu phát triển kinh tế là dịch vụ - thương mại - TTCN và nông nghiệp. Trên địa bàn hiện có 5 HTX tiểu thủ công nghiệp với 547 hộ kinh doanh vừa và nhỏ làm ăn khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng không phải ai có vốn cũng biết làm kinh doanh, hoặc kinh doanh cũng có hiệu quả. Để kinh tế phát triển cân đối, bền vững, thị trấn đã chỉ đạo giữ vững và củng cố các mô hình chăn nuôi điểm, tạo điều kiện để các hộ thuộc đối tượng được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho chăn nuôi, nên tổng đàn trâu, bò, gà, lợn… đều không ngừng tăng qua các năm. Có những hộ ở thị trấn còn xây dựng được những trang trại nuôi lợn với quy mô lớn gần 200 con; trang trại nuôi gà trên 1.500 con…
Từ các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, sẽ được nhân rộng trên địa bàn. Thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, động viên, tạo điều kiện để các hộ nghèo đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, thị trấn tranh thủ các nguồn vốn, tạo điều kiện cho các đối tượng nghèo vay vốn đầu tư cho sản xuất, chuyển giao tiến bộ KHKT; phân công trách nhiệm cho các cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị xã hội cùng giúp đỡ các đối tượng này, hướng dẫn cho họ cách làm ăn, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi gia đình để hạn chế rủi ro. Thị trấn đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo để giúp dân xóa nghèo đạt hiệu quả nhanh nhất.
Năm 2009, thị trấn Chùa Hang phấn đấu giảm 10/44 hộ nghèo. Nhưng chúng tôi tin trước những gì cấp, uỷ, chính quyền thị trấn đã và đang làm cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính những hộ nghèo thì số hộ thoát nghèo không chỉ dừng lại ở con số 10; con đường để thị trấn Chùa Hang về đích “xóa xong hộ nghèo” sẽ rút ngắn hơn dự tính…