Về công tác tại xã Bình Thuận (Đại Từ) lần này, chúng tôi được cô Phạm Thị Oanh, cán bộ chuyên trách dân số xã dẫn về xóm Trại thăm một cháu bé có hoàn cảnh rất thương tâm.
Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, nằm trên chiếc giường trơ trọi, cháu Bùi Văn Hưng, sinh năm 1999 (10 tuổi) nhìn không khác gì đứa trẻ lên 3. Không nhận thức, tay chân không phát triển bình thường, quanh năm suốt tháng chỉ gắn bó với chiếc giường. Chị Bùi Thị Liễu, mẹ cháu Hưng kể cho tôi nghe về căn bệnh bại não mà Hưng mắc phải, rồi những nỗi vất vả, truân chuyên mà vợ chồng chị phải gánh chịu trong quãng thời gian qua. Chị Liễu nhìn đứa con của mình rồi chép miệng: “10 năm rồi, ngày nào cũng như ngày nào, hai vợ chồng tôi phải thay nhau ở nhà trông cháu. Anh ấy đi làm thì tôi ở nhà, còn tôi đi làm ruộng thì phải trông con, không nhờ ai được”… Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của xã Bình Thuận, đặc biệt là của bà con xóm Trại nên gia đình cũng được chia sẻ, động viên kịp thời để vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống. Cháu Hưng được tặng một chiếc xe lăn nhưng do không ngồi được nên món quà đó đành để làm kỷ niệm. Vào những dịp lễ, Tết, cháu cũng được tặng quà và nhận những lời động viên, thăm hỏi của các cấp, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương…
Trường hợp của Hưng cũng như hàng chục em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác của xã đã nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng. Hiện nay, Bình Thuận có 1.165 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 25 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, 23 trẻ mồ côi và 21 trẻ bị tật nguyền. Những năm gần đây, Bình Thuận đặc biệt chú trọng công tác xã hội hóa và đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiện, 100% trẻ dưới 6 tuổi của xã được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Cùng với đó, các chương trình y tế Quốc gia được phối hợp tổ chức đạt và vượt chỉ tiêu như: Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 100%, chương trình uống vitamin A đạt 100%. Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đạt hiệu quả cao, hạ tỷ lệ trẻ em suy dinh dường từ 13,5% năm 2006 xuống còn 12,4% như hiện nay. Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai rộng rãi trong nhân dân. Việc huy động trẻ vào lớp 1 đạt 100%, trẻ từ 3 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 100%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cho trẻ em được Bình Thuận tổ chức thường xuyên, đa dạng với hơn 80% trẻ em được vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa theo lứa tuổi. Đặc biệt, xã Bình Thuận còn quan tâm đến Chương trình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, tật nguyền. Ngoài việc được thăm hỏi, động viên, tặng quà thường xuyên, các em còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, cấp sách vở, đồ dùng học tập.
Vào dịp, Tháng hành động vì trẻ em, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, ngày khai trường hằng năm… đã trở thành ngày hội toàn dân chăm lo cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ năm 2003 đến nay, xã xây dựng Quỹ Vì trẻ thơ với mức huy động đóng góp từ 2 đến 5 nghìn đồng/hộ/năm, hộ kinh doanh từ 10 đến 20 nghìn/hộ/năm, cán bộ, công nhân viên chức thì đóng góp 1 ngày lương… Với cách huy động như vậy, bình quân mỗi năm, Quỹ vì trẻ thơ của xã cũng thu được từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng. Từ số tiền này cùng với sự hỗ trợ của huyện, tỉnh, các đơn vị, nhà hảo tâm, xã đã tổ chức tặng quà cho trẻ em vào những dịp lễ, Tết…
Có thể nói, cùng với sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền nơi đây vận động, tuyên truyền nên các quyền của trẻ em được đại bộ phận nhân dân tự giác thực hiện. Như quyền được chăm sóc, nuôi dạy, được Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, quyền được học tập, được vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi. Hơn 80% dân số có hiểu biết về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tình trạng trẻ em bị đánh đập, ngược đãi, xâm hại, lạm dụng tình dục, lao động nặng nhọc nhiều năm nay không xảy ra trên địa bàn.