Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch cúm lợn A (H1N1)

08:41, 29/04/2009

 Ngày 29-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 639/CÐ-TTg, gửi Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, yêu cầu:

 Bộ trưởng Y tế - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người: Tiếp tục chỉ đạo việc giám sát tình hình diễn biến của dịch, kịp thời đề ra các phương án xử lý thích hợp để ứng phó hiệu quả với các cấp độ phát triển của dịch. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ở T.Ư và địa phương. Áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát người và hàng hóa đến từ các nước đã có dịch để phát hiện dịch ngay  tại  các  cửa  khẩu (bao gồm cả việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khai báo bắt buộc về y tế). Phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, kịp thời cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan. Chuẩn bị phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh khi phát hiện trường hợp lây nhiễm.

 

Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để kịp thời cập nhật thông tin chính xác về tình hình dịch để thường xuyên cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và toàn thể nhân dân biết rõ về dịch bệnh, về biểu hiện bệnh, về các đường lây truyền và cách phòng, tránh để người dân hiểu đúng và làm theo. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình lên Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người để chỉ đạo các cấp, các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế về phòng, chống dịch cúm lợn A (H1N1). Chỉ đạo trực tiếp việc tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân về sự nguy hiểm của dịch để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh; đồng thời không làm người dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tới sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nhu cầu sử dụng thực phẩm thường xuyên của xã hội. Phân công lãnh đạo và đơn vị thường trực phòng, chống dịch trực 24/24 giờ, nhất là trong những ngày nghỉ lễ để kịp thời thu thập, tiếp nhận thông tin và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch theo yêu cầu.

 

Các bộ, ngành chức năng trong Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các lực lượng liên ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công trong phòng, chống dịch.

 

Ngày 28-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chỉ thị số 1141/CT-BNN-TY đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia có văn bản chỉ đạo chính quyền, cấp ủy đảng các cấp và các ngành chức năng của địa phương tăng  cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền và cấp ủy đảng cơ sở trong việc giám sát, báo cáo dịch bệnh và tổ chức chiến dịch tiêm phòng vaccine; tuyệt đối không được giấu dịch; thành lập các đoàn công tác đi đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình, nhất là công tác tiêm phòng vaccine cúm cho đàn gia cầm, vaccine lở mồm, long móng và các loại vaccine khác theo quy định; tập trung mọi lực lượng để thực hiện tốt chiến dịch tiêm phòng đợt 1 năm 2009, bảo đảm tiêm đúng kỹ thuật, đạt tỷ lệ theo quy định. Tuyệt đối không để tồn đọng, lãng phí vaccine; chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức giám sát, đề phòng xảy ra bệnh cúm lợn trên đàn lợn, phát hiện kịp thời những ca nhiễm đầu tiên và xử lý theo hướng dẫn của Cục Thú y; phổ biến để nhân dân biết, đề phòng đối với bệnh cúm lợn, không gây hoang mang.

 

Bốn biện pháp phòng, chống

 

Ðể chủ động phòng, chống dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các UBND tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế từ T.Ư đến địa phương, tại các cửa khẩu, biên giới tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế biên giới, chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và xử lý triệt để không để dịch lây lan; sẵn sàng máy thở, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác điều trị khi có người bệnh; triển khai kiểm tra y tế đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch. Thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác sẵn sàng phòng, chống dịch tại các khu vực trọng điểm, các địa phương. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng, chống dịch cúm lợn A (H1N1):

 

1. Thực hiện tốt bốn biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng.

 

2. Người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch. Nếu bắt buộc đi đến các khu vực này, phải áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ y tế nơi đến.

 

3. Nếu đã tới vùng dịch trong vòng bảy ngày vừa qua thì theo dõi sức khỏe bản thân; nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu và mệt mỏi sau khi từ vùng dịch trở về, cần phải khai báo y tế để được cách ly và điều trị kịp thời.

 

4. Các hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch phải thông báo với các cơ quan y tế và thực hiện các biện pháp cách ly theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế để chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân và cộng đồng.

 

* Ngày 29-4, Bộ Y tế có Quyết định số 1416/QÐ-BYT về việc thành lập Hội đồng chuyên môn nghiệm thu "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cúm lợn A (H1N1)". Theo đó, Hội đồng chuyên môn gồm có 23 thành viên gồm các viện trưởng, phó viện trưởng, trưởng khoa, phó giám đốc các bệnh viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch hội đồng là GS, TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Hội đồng chuyên môn có nhiệm vụ xem xét, hoàn chỉnh và nghiệm thu "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cúm lợn A (H1N1)" và báo cáo Bộ trưởng Y tế xem xét, quyết định ban hành.

 

Ngay trong ngày, Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm lợn A (H1N1) ở người" áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hướng dẫn nêu rõ: Bệnh cúm lợn A (H1N1) lây truyền từ người sang người, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong, việc chẩn đoán và điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc chẩn đoán phải dựa trên nhiều yếu tố: dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng. Trong công tác điều trị, người bệnh phải được cách ly và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng. Việc dùng thuốc kháng virus đơn độc hoặc kết hợp (oseltamivir, zanamivir) càng sớm càng tốt, kể cả các trường hợp nghi ngờ. Không sử dụng các thuốc đã bị kháng như amantadine và rimantadine. Ðiều trị tại chỗ ở những cơ sở thích hợp và yêu cầu tuyến trên giúp đỡ đối với  những trường hợp nặng.

 

Ðây là bệnh lây từ người sang người, cho nên việc phòng lây nhiễm cũng hết sức quan trọng. Thực hiện các biện pháp cách ly và chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc cúm lợn A (H1N1) phải khám, phân loại và cách ly kịp thời. Các bệnh viện phải tổ chức khu vực cách ly, đồng thời phải phòng ngừa cho người bệnh, khách đến thăm cũng như phòng ngừa cho nhân viên y tế.

 

Các địa phương sẵn sàng đối phó dịch cúm lợn

 

TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngày 29-4, cho biết: Về cơ bản, Hà Nội đã sẵn sàng đối phó nếu dịch cúm lợn A (H1N1) xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã chuẩn bị 30 tấn hóa chất khử khuẩn CloraminB; phục trang, khẩu trang chống nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế bảo đảm đủ. Riêng về thuốc Tamiflu - thuốc còn tác dụng điều trị với virus cúm lợn A (H1N1), các đơn vị báo cáo có khoảng hơn bảy nghìn viên. Ngoài ra, Sở cũng vừa đặt mua thêm 14 nghìn viên. Với cơ số thuốc này, ngành y tế Hà Nội hoàn toàn có thể chủ động đáp ứng được nhu cầu điều trị. Toàn bộ cán bộ y tế dự phòng trong mạng lưới y tế dự phòng tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố đã được tập huấn công tác giám sát, sàng lọc, điều trị người bệnh; xử lý môi trường... Ngay chiều 29-4, một máy đo thân nhiệt mới đã được lắp đặt và vận hành tại sân bay Nội Bài và bổ sung thêm 70 máy đo nhiệt điện tử bấm tai. Sở Y tế  cũng tăng cường cán bộ y tế bảo đảm có từ ba đến năm cán bộ y tế làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, giám sát sức khỏe hành khách tại mỗi cửa ra vào tại sân bay Nội Bài.

 

* Hiện nay, TP Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm dịch động vật và sản phẩm từ gia súc, gia cầm để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống bệnh cúm lợn trên địa bàn. Lực lượng kiểm tra liên ngành duy trì thường trực 24/24 giờ tại bảy chốt kiểm dịch ra, vào thành phố gồm Ba La (Hà Ðông), Hà Vỹ (Thường Tín), Phú Xuyên, Ngọc Hồi (Thanh Trì), Dốc Lã (Gia Lâm), Trung Giã (Sóc Sơn) và Trung Hà (Ba Vì); giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào khu vực và tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc kịp thời. Gia súc, gia cầm vận chuyển phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất bán và sau khi giết mổ sẽ được cơ quan thú y kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch trước khi lưu thông. Ðến nay, TP Hà Nội vẫn chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản.

 

* Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhất là dịch cúm lợn. Theo đó, tập trung tiêm phòng vaccine dịch tả và dịch tụ huyết trùng cho đàn lợn thịt; vaccine các dịch phó thương hàn và phù đầu (Ecoli) cho đàn lợn con; vaccine dịch tả, phó thương hàn và dịch tai xanh cho đàn lợn nái. Ðồng thời, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi và nơi công cộng. Ðồng thời xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch động vật ở địa phương và tiêu hủy ngay các loại lợn, sản phẩm lợn không có nguồn gốc.

 

* Ngày 29-4, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công điện gửi các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố... Về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và phòng ngừa dịch cúm lợn A (H1N1), bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn đã tăng cường cán bộ, công nhân viên làm việc tại năm cửa khẩu như: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế ga Ðồng Ðăng (Cao Lộc), cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình), cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) có số lượng hành khách đi lại tham quan, trao đổi buôn bán lớn... Tại các địa điểm nói trên, trung tâm kiểm dịch đã triển khai các biện pháp đưa vật tư thiết bị như: thuốc khử trùng, khẩu trang, quần áo, máy đo nhiệt độ thân nhiệt... đưa đến các cửa khẩu.