Do khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều cộng với điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt nên thời điểm cuối xuân, đầu hè và trong cả mùa hè thường dễ phát sinh, phát triển dịch bệnh như tiêu chảy, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, rubella... Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trên.
Từ đầu năm 2009 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu cho ngành Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa hè. Theo đó tất cả các đơn vị trong ngành đều phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị cũng như nhân lực kèm theo, đảm bảo ứng cứu nhanh nhất, tốt nhất khi có dịch bệnh xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chuẩn bị sẵn nhiều cơ số hóa chất, vật tư phục vụ phòng và chống dịch. Tại kho của Trung tâm hiện tại còn gần 1,5 tấn ChloraminB khử khuẩn, trên 200 lít Icon diệt muỗi, trên 3,5 tạ phèn chua… cùng các phương tiện như máy phun hoá chất, ô tô, cáng cứu thương… Trung tâm cũng cho kiện toàn lại các đội chống dịch cơ động, trong đó có đội phản ứng nhanh để xử lý nhanh nhất các công tác dập dịch và đảm bảo xử lý ca bệnh tai chỗ ngay khi có dịch xảy ra.
Trung tâm cũng đã tiến hành kiểm tra 9 trung tâm y tế các huyện, thành, thị về trang thiết bị, hóa chất, vật tư phòng, chống dịch; công tác giám sát dịch bệnh, thư ký các chương trình y tế… Trên cơ sở đánh giá thực trạng nhân lực, trang thiết bị và hóa chất phục vụ phòng, chống dịch tại các tuyến sau kiểm tra, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về kỹ năng giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu các Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện chuẩn bị lực lượng và phương tiện thường trực để khi cần triển khai được nhanh chóng ở địa phương; quản lý chặt chẽ các ổ dịch cũ trong địa bàn, đồng thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... thực hiện tốt các chương trình y tế để ngăn chặn các dịch bệnh xảy ra trong mùa hè này. Đầu tháng 4/2009, Trung tâm cũng tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh với 9 trung tâm y tế huyện, thành thị và triển khai ký hợp đồng nguyên tắc hoạt động giữa Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với các trung tâm y tế cấp huyện.
Bác sĩ Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho rằng, do lợi ích của công tác tiêm chủng mở rộng nên những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em trước đây đã được khống chế. Tuy nhiên, với điều kiện vệ sinh môi trường như hiện nay cộng với thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, không đảm bảo vệ sinh của người dân đã tạo những thuận lợi để dịch bệnh phát sinh, phát triển. Vì vậy, ngoài những nỗ lực của ngành Y tế trong công tác giám sát, bao vây, khống chế dịch, mỗi người dân, mỗi gia đình cần thực hiện tốt một số biện pháp phòng bệnh như: Duy trì chế độ ăn, uống khoa học, điều độ, đủ dinh dưỡng nhằm tăng cường đề kháng cho cơ thể. Tuyệt đối không ăn thức ăn sống, tái, những loại thực phẩm không an toàn (nhiễm mầm bệnh, nhiễm hoá chất, nhiễm vi khuẩn). Tích cực vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện diệt chuột, ruồi, muỗi - những vật chủ trung gian truyền bệnh đồng thời chú ý theo dõi diễn biến dịch bệnh, bổ sung kiến thức phòng bệnh cần thiết, nếu trong gia đình có người thân mắc các triệu chứng bệnh thì phải đưa ngay tới cơ sở y tế để điều trị, không để dịch lan rộng.