Mới đây, Chính phủ đã có ý kiến đồng ý việc hỗ trợ đặc thù về nhà, đất ở cho các hộ dân của Thái Nguyên đang bị ảnh hưởng bởi đường điện 220KV Tuyên Quang-Thái Nguyên. Đây thực sự là tin vui đối với nhiều hộ dân đang chịu cảnh có nhà không dám ở, phải đi ở thuê, ở tạm chỗ khác vì lo sợ hiện tượng "nhiễm điện" ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dự án đường dây 220KV Tuyên Quang-Thái Nguyên là Dự án trọng điểm quốc gia mang tính cấp thiết được thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 6/2006 và được đóng điện mang tải từ ngày 27/4/2007. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tuyến đường dây này có chiều dài 40km. Từ khi được đóng điện đến nay, rất nhiều hộ dân thuộc huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên có nhà ở, công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện phản ánh về hiện tượng "nhiễm điện", ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của bà con. Bà con cho rằng: Từ khi đường dây 220KV chạy qua nhà thì thấy có các hiện tượng không bình thường như: Khi thử bút thử điện vào người và một số vật dụng khác (tường nhà, chậu nước, dây phơi, cây cối) thấy bút thử điện sáng; có tiếng kêu réo phát ra từ đường dây. Nhiều người còn thấy hiện tượng đau đầu, tức ngực, khó thở…và phải bỏ nhà để đi nơi khác hoặc dựng lán trại ra vườn ở tạm. Bà con đề nghị được di dời ra khỏi hành lang an toàn lưới điện.
Trước tình hình đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra tại các hộ dân, thấy rõ hiện tượng có "nhiễm điện", không an toàn, đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị "giải quyết kiến nghị của công dân". Tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, Đoàn Thái Nguyên đều gửi câu hỏi chất vấn Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề cử tri kiến nghị, đề nghị hai Bộ xem xét giải quyết. UBND tỉnh cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết những kiến nghị chính đáng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân do ảnh hưởng của đường dây 220KV. Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành khảo sát, kiểm tra và xem xét các đề nghị của nhân dân.
Sau khi Chính phủ có ý kiến đồng ý việc hỗ trợ đặc thù về nhà, đất ở cho các hộ dân của Thái Nguyên trong diện ảnh hưởng bởi đường điện 220KV Tuyên Quang-Thái Nguyên, để có cơ sở thống nhất với EVN về mức hỗ trợ, UBND tỉnh đã có văn bản số 463/UBND-SXKD, ngày 3/4/2009 về việc tham mưu cơ chế hỗ trợ nhà, đất ở trong hành lang dây dẫn 220KV, giao cho huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên căn cứ các số liệu kiểm đếm đã được phê duyệt để tính toán kinh phí hỗ trợ cho nhân dân. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 100% phần chênh lệch giữa giá đất ở và đất vườn đối với diện tích đất ở nằm trong hành lang đường điện; hỗ trợ phần diện tích nhà ở và công trình phụ độc lập ở các mức 70%, 80%, 90% và 100% giá trị phần công trình nằm trong hành lang đường điện theo đơn giá quy định tại thời điểm hiện hành.
Trong buổi giám sát về việc giải quyết kiến nghị của công dân xung quanh vấn đề trên vào ngày 9/4/2009, Ban Dân nguyên-Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi tiếp xúc trực tiếp với một số hộ dân nằm trong hành lang lưới điện thuộc xã Hùng Sơn (Đại Từ). Tại các gia đình anh Lê Văn Thịnh, Nguyễn Văn Tĩnh và Nguyễn Văn Bình, xóm Phú Thịnh, Đoàn giám sát đã thật sự cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh hiện tại mà các gia đình trên đang phải trải qua. Gần hai năm nay, cả ba gia đình này đều không dám ở trong nhà xây, phải dọn dẹp đồ đạc ra sống tạm ngoài góc vườn vì lo sợ hiện tượng "nhiễm điện". Anh Thịnh cho biết: Chật chội lắm nhưng cũng phải ở tạm vì tôi lo cho sức khỏe của cả gia đình, nhất là của hai đứa nhỏ. Anh Tĩnh thì không giấu nổi phiền não nói: Mấy hôm rồi mưa to, mái lán bị dột, nước chảy đầy xuống làm cháy cả tivi, ướt hết giường chiếu. Tôi chỉ thương mẹ già đã 85 tuổi và hai đứa nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học phải sống cảnh tạm bợ này. Còn anh Bình tâm sự: Chúng tôi không muốn có ý kiến kiến nghị nhiều đâu, nhưng có nhà mà không được ở, các con phải kè chăn lên giường làm bàn học tạm thì thương lắm. Ông Đỗ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho hay: Đây chỉ là 3 trong 22 gia đình thuộc ba xóm: Nghè Bàn Cờ, Phú Thịnh và Đá Mài bị ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở. Cá biệt ở đây có gia đình chị Nguyễn Thị Xuân và gia đình anh Nguyễn Thanh Hải phải bỏ nhà đi thuê ở nơi khác vì sợ ảnh hưởng tới cháu nhỏ mới sinh. Mùa mưa bão đến nơi rồi, chúng tôi cũng rất lo.
Sau khi tiếp xúc và lắng nghe các ý kiến kiến nghị của người dân, đồng chí Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đã không khỏi xúc động và hứa, bằng trách nhiệm của mình sẽ có ý kiến với Quốc hội, các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết những vướng mắc của bà con. Đồng chí cũng động viên bà con nên bình tĩnh, có niềm tin, bởi Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ cho bà con, các bộ, ngành trung ương và đặc biệt là chính quyền địa phương đang ra sức vào cuộc để sớm giải quyết những đề nghị chính đáng của người dân.