Giúp trẻ em nghèo phục hồi hệ vận động

14:32, 27/04/2009

Cháu Trần Thị Thu Huệ, con gái của anh Trần Duy Hưng (Bình Thành, Định Hóa) do bị tổn thương não đã khiến đôi chân của cháu không được bình thường như bao trẻ khác (bước đi hình chữ X).

18 tháng tuổi mới vịn bước đi được nhưng hai bàn chân không đặt bằng xuống đất mà phải kiễng. Lo lắng cho con gái, anh Hưng đã nhờ chị gái hỏi các bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Đại Từ và được giới thiệu về Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái, cháu Huệ đã được mổ co cứng cơ chân ngày 21/3/2009 và tháo bột ngày 9/4. Khi chúng tôi đến Trung tâm, cháu Huệ đã mổ được hơn 1 tháng. Hai chân cháu bước đi dù vẫn chưa như bình thường nhưng hai bàn chân đã đặt bằng được xuống đất. Cháu không hề e ngại khi nhìn thấy người lạ, thậm chí còn cười rất tươi khi được tôi và bố cháu dắt đi một đoạn đường.

 

Trường hợp cháu Huệ là 1 trong số 69 trẻ khuyết tật hệ vận động được mổ miễn phí năm 2009 do tổ chức SAP- VN tài trợ. Tổ chức SAP-VN (chương trình trợ giúp xã hội cho Việt Nam) là một tổ chức từ thiện Mỹ do các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ cho trẻ em tàn tật. Trong hai năm 2008-2009, SAP-VN hỗ trợ Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh thực hiện Dự án Hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật, tàn tật hệ vận động nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho các em được hòa nhập với cộng đồng; tổng kinh phí của dự án là 560 triệu đồng.

 

Được biết, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án SAP- VN từ năm 2007. Các bệnh nhân được Dự án SAP-VN hỗ trợ tiền khám bệnh, phẫu thuật miễn phí và hỗ trợ tiền ăn 20.000 đồng/ngày. Năm đầu tiên thực hiện, Trung tâm chủ yếu mổ cho các bệnh nhân các tỉnh Tuyên Quang và Cao Bằng; năm 2008, Trung tâm đã phẫu thuật cho hơn 60 trẻ khuyết tật hệ vận động chủ yếu khoèo chân tay, chân chữ X, chân chữ O, tổn thương do di chứng bại não, trong đó 6 trường hợp điều trị hai lần. Năm 2009, Trung tâm đã tổ chức khám ở tất cả các huyện, thị và có 69 bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, số bệnh nhân ở Phú Bình chiếm nhiều nhất: 30 ca. Trong tháng 5, Trung tâm tổ chức 2 đợt phẫu thuật, mỗi đợt thực hiện trong khoảng 2 tuần: đợt 1 từ ngày 5/5 với 30 bệnh nhân; đợt 2 dự kiến từ ngày 15 đến 20/5 sẽ phẫu thuật cho số bệnh nhân còn lại. Mỗi trường hợp điều trị từ 38-40 ngày. Các bệnh nhân được Dự án SAP-VN hỗ trợ tiền khám bệnh, phẫu thuật miễn phí và hỗ trợ tiền ăn 20.000 đồng/ngày.

 

Theo đồng chí Phùng Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm, mỗi ngày Trung tâm phẫu thuật được từ 6-8 ca; việc phẫu thuật cho các đối tượng tàn tật hệ vận động được tổ chức SAP-VN theo dõi rất sát sao từ khâu khám, hỗ trợ tiền ăn, đi đường cho bệnh nhân, kết quả của việc phẫu thuật. Trong 34 trường hợp của Thái Nguyên năm 2008, qua kiểm tra sơ bộ 28 bệnh nhân, 25 bệnh nhân có chuyển biến tốt, 5 bệnh nhân tiếp tục mổ lần 2 và 3 trường hợp không thành công. Băn khoăn của bác sĩ Quang cũng như nhiều bác sĩ khác trong Trung tâm là với những trẻ ở gia đình nghèo, có trường hợp mời hai lần không đến khám, chấp nhận sự tàn tật của con cái mình; hay có trưng hợp cong vẹo cột sống, được Dự án hỗ trợ áo chỉnh hình (1,8-2 triệu đồng) nhưng không mặc thường xuyên khiến cho việc phục hồi vận động rất khó khăn.

 

Sự hỗ trợ của Dự án SAP-VN đã giúp cho trẻ em nghèo có điều kiện phục hồi hệ vận động. Đây là quá trình lâu dài, vì thế sau phẫu thuật kết quả có thành công hay không là cần có sự phối hợp tích cực người nhà bệnh nhân trong việc giúp các em thực hiện y lệnh của bác sĩ trong tập luyện phục hồi.