Hiệu quả chương trình Plan với nông dân

08:44, 08/04/2009

Chương trình hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Tổ chức Plan Việt Nam tại Thái Nguyên được thực hiện từ giữa năm 2005 đến hết năm 2008 tại 8 xã của huyện Đồng Hỷ và Phú Bình với 2 dự án: Phát triển kinh tế hộ gia đình khu vực nông thôn và Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp bền vững kinh tế hộ gia đình.Sau gần 4 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn của những xã trên đã có nhiều thay đổi.

Đồng chí Trần Văn Nguyên, Thư ký Dự án Plan Hội Nông dân tỉnh cho biết: Mục tiêu của Plan trong lĩnh vực phát triển cộng đồng rất phù hợp với mục tiêu của Hội Nông dân trong vận động quần chúng vì tổ chức hội có mạng lưới ở tận các xóm, bản. Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, những kiến thức mà Tổ chức Plan mang lại cho nông dân mới có giá trị lâu dài. Những nông dân được tham gia thực hiện các mô hình rất nghiêm túc và cầu thị bởi họ nhận thấy đó là những kiến thức rất bổ ích, thiết thực cho mình. Tham gia các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thấy được hiệu quả nên người nông dân sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế và sẻ chia kinh nghiệm với mọi người.

 

Từ khi có chương trình được hợp tác, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ về vốn, cây giống kiến thức… Như gia đình ông Nguyễn Văn Mão, xóm Bãi Phẳng, xã Bàn Đạt (Phú Bình) được Tổ chức Plan sự hỗ trợ cây giống keo lai, một phần phân bón, từ năm 2006. Gia đình ông Mão đã đầu tư gần 7 triệu đồng để thuê máy xúc cải tạo đất trồng được 0,5 ha. Đến nay, diện tích keo lai phát triển tốt, có cây bán kính gốc đã gần 20cm. Dự kiến sau 7-10 năm chăm sóc sẽ cho thu hàng trăm triệu đồng. Gia đình ông Mão chỉ là 2 trong 11 hộ dân tham gia mô hình (mỗi hộ trồng 0,5ha) cải tạo đất dốc, đất bạc màu, phát triển kinh tế nông, lâm kết hợp tại xã Bàn Đạt do Tổ chức Plan tài trợ. Qua thực hiện mô hình trên đã giúp các hộ dân có thêm phương pháp canh tác trên đất đồi dốc và có nguồn thu nhập bền vững từ đồi rừng, dần thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp đồng thời tận dụng lao động nông nhàn ở địa phương.

 

Với đặc thù của từng xã, Tổ chức Plan chọn mô hình phù hợp để hỗ trợ. Mô hình trình diễn cây sắn giống mới M94 tại xã Nga My (Phú Bình) với diện tích 10ha tại cánh đồng Rừng Sốn, đồng Bu Ru, đồng Trại Tăng và rừng Chùa từ đầu năm 2008 đã mang lại hiệu quả. Hiện, bà con đã sử dụng giống sắn M94 trên hầu khắp diện tích khoảng 250ha của xã. Kết quả mô hình đem so sánh đối chứng với giống sắn cũ thì thấy vượt trội hơn hẳn về chiều cao cây, thời gian sinh trưởng, khả năng chống đổ, chống hạn, số củ/gốc, năng suất cao hơn 1-2 tạ/sào. Qua đó cho thấy giống sắn M94 phù hợp với chân đất pha cát, mức độ đầu tư phân bón bình thường…

 

Không chỉ hỗ trợ về trồng trọt, Tổ chức Plan tại Thái Nguyên còn hỗ trợ nông dân về chăn nuôi, điển hình là mô hình nuôi cá kết hợp cấy lúa ở xã Tân Khánh (Phú Bình), nuôi cá tăng sản ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Đây là những mô, dễ làm, vốn đầu tư ít phù hợp với điều kiện của bà con nên được người dân đón nhận. Bên cạnh đó, Tổ chức Plan còn tập huấn nâng cao kỹ năng vận động quần chúng, triển khai thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo cho cán bộ Chi hội Nông dân ở các xã tham gia dự án; trang bị 32 tủ sách cộng đồng với trên 100 đầu sách về các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là kiến thức về phát triển trồng trọt, chăn nuôi cho các xã vùng dự án...

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Chiến, Quản lý vùng Plan tại Thái Nguyên cho biết: Tổ chức Plan chọn nông dân để hỗ trợ là hoàn toàn đúng đối tượng (nghèo, vùng sâu, vùng xa, khó khăn...), đội ngũ cán bộ Hội Nông dân hiểu dân, sâu sát cơ sở. Tổ chức Plan phối hợp với nông dân trong thời gian hơn 3 năm đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để thực hiện các mô hình hy vọng giúp người dân thay đổi cách làm truyền thống, giới thiệu những mô hình không quá to tát nhưng hiệu quả. Thời gian tới, mục tiêu của Plan là tập trung hỗ trợ có hệ thống, phát triển mang tính bền vững cho nông dân. Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, cung cấp kỹ năng, kiến thức mọi mặt cho nông dân...