Quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động

10:09, 28/04/2009

Nhân Quốc tế lao động (1/5), phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc làm việc với đồng chí Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về vai trò của tổ chức công đoàn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua trong điều kiện chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát gia tăng…

P.V: Xin đồng chí cho biết thực trạng đội ngũ Công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) tỉnh ta hiện nay?

 

Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế và sự phát triển nhanh chóng của các loại hình doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài Nhà nước; đội ngũ CNVC-LĐ tỉnh ta đã phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng và có sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10,6 vạn CNVC-LĐ lao động sinh hoạt trong 1.214 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó lao động làm việc trong các doanh nghiệp Trung ương là 27.461 người; khối doanh nghiệp địa phương là 10.910 người; khối các thành phần kinh tế khác khoảng 33 nghìn người. Cơ cấu đội ngũ CNVC-LĐ có xu hướng tăng tỷ lệ trong các ngành Giáo dục, Y tế, Công nghiệp, Xây dựng, Dịch vụ và khu vực kinh tế ngoài nhà nước; giảm dần trong khu vực kinh tế nhà nước, nông, lầm nghiệp… Chất lượng đội ngũ CNVC-LĐ được nâng lên. Qua khảo sát đầu năm 2008 tại 718 CĐCS, với 48.946 CNVC-LĐ được điều tra cho thấy: Số CNVC-LĐ có trình độ THPT chiếm 76%, THCS chiếm 14%; cao đẳng và đại học trở lên chiếm 30%; công nhân qua đào tạo chiếm 60%; bậc thợ 4/7 - 5/7 chiếm 45%, bậc thợ 6/7 - 7/7 chiếm 16,5%; số CNVC-LĐ biết ngoại ngữ chiếm 13,7%; biết sử dụng vi tính chiếm 23,1%, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam chiếm 31%...

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đội ngũ CNVC-LĐ luôn tin tưởng vào đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường; chủ động tiếp thu và làm chủ KHKT, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn do cấp uỷ, chính quyền, tổ chức công đoàn phát động. Đội ngũ CNVC-LĐ là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Thông qua phong trào CNVC- LĐ và hoạt động công đoàn, hàng năm có từ 1.700 - 1.800 CNVC- LĐ được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, chiếm trên 54% số đảng viên được kết nạp hàng năm. Tuy nhiên, đội ngũ CNVC- LĐ còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập so với yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, ý thức chấp hành kỷ luật của lao động chưa cao; một số CNVC- LĐ còn thờ ơ với chính trị, vi phạm pháp luật…

 

P.V: Khủng hoảng kinh tế thế giới và những biến động của tình hình trong nước đã ảnh hưởng như thế nào đến CNVC-LĐ trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra thời cơ thuận lợi cho quá trình phát triển KT - XH, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhưng khi nền kinh tế thế giới suy thoái thì tác động của nó đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia là rất lớn và nước ta cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, kích thích kinh tế phát triển, mỗi địa phương và bản thân mỗi doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp khắc phục… song chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn tỉnh đã có 912 công nhân không có việc làm thường xuyên, số CNVC-LĐ nghỉ chờ việc dài ngày là 1.145 người… một số đơn vị khác phải giảm ca, bố trí lao động luân phiên… để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động, giữ người lao động ở lại với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, hợp đồng lao động và các chế độ chính sách đối với người lao động có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới thu nhập, việc làm và đời sống của từng cá nhân và gia đình họ.

 

P.V: Trước tình hình đó, tổ chức công đoàn có những biện pháp gì giúp người lao động và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và người lao động, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm: Thường xuyên nắm tình hình thực tiễn ở các doanh nghiệp, trên cơ sở đó cùng với chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao động tìm mọi biện pháp để giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời giải quyết kịp thời những tranh chấp phát sinh tại cơ sở. Tổ chức tuyên truyền để người lao động hiểu được những khó khăn trước mắt, động viên người lao động tích cực góp phần ổn định sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá dây chuyền sản xuất… để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động thông qua các hoạt động: Tham gia đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, xây dựng mái ấm công đoàn tặng người lao động  nghèo, vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Qũy trợ giúp từ cơ sở cho người lao động vay để phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là người lao động trong các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ doanh nghiệp. Tập trung xây dựng CĐCS, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh để phát huy vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC- LĐ trong các doanh nghiệp…

 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!