''Việc tăng lương cho 6-8 triệu người người lao động người hưởng lương từ ngân sách không chi phối đến 46 triệu lao động trên cả nước, nên nói tăng lương làm tăng giá là không phải... Nếu ở đâu đó lợi dụng điều chỉnh lương để tăng giá thì đó là việc làm sai trái, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm về mặt quản lý nhà nước''.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định như vậy xung quanh chính sách tăng lương với mức từ 5- 20% dành cho các đối tượng được áp dụng vào 1/5 tới.
Theo bà Ngân, việc tăng lương nằm trong lộ trình được thực hiện từ năm 2008. Lần này nâng mức tối thiểu chung từ 540 nghìn đồng/ tháng lên 650 nghìn đồng/ tháng và áp dụng cho tất cả các đối tượng đang hưởng lương ở khu vực nhà nước. Đồng thời tăng thêm 5% lương nữa cho người nghỉ hưu, cũng như điều chỉnh chính sách đối với người có công
Lương bị trượt giá 20%
- Vì sao lần này đối tượng người nghỉ hưu chỉ được tăng 5%, trong khi công chức, viêc chức (CCVC) lại tăng đến 20%, thưa bà?
- Vì tháng 10/2008, chúng ta đã nâng trước một bước 15% lương cho đối tượng là những người hưởng lương hưu. Như vậy, cán bộ hưu trí (CBHT) có tốc độ tăng cao hơn CCVC vì 5% lần này là tăng trên tổng số đã tăng trước đó. Với quan điểm là chăm lo cho người đã nghỉ hưu, người có công, thu nhập thấp thì Chính phủ (CP) đã có cách xử lý về tiền lương rất phù hợp tạo sự đồng thuận rất cao với xã hội
- Người lao động, CBCNV hưởng lương từ NSNN sẽ được hưởng lợi gì từ việc tăng lương?
- Về đời sống xã hội chắc chắn mọi người sẽ phấn khởi dù mức tăng không cao lắm, mức tăng tối thiểu hơn 100 nghìn còn tối đa khoảng 1 triệu đồng.
Trước hết nghe thì cứ tưởng là tăng lương nhưng thực ra chúng ta đang điều chỉnh tiền lương đảm bảo với thực tế. Bởi vì tiền lương chúng ta đang hưởng hiện đã bị trượt giá 20% nếu tính đến bây giờ thì có thể hơn. Vì vậy phải điều chỉnh lương bù đắp cho trượt giá đảm bảo lương thực tế cho người lao động hưởng lương nhà nước.
- Thưa bà, ngân sách nhà nước dành cho chi lương có ảnh hưởng không khi tăng lương cho các đối tượng?
- Ngân sách thì đã được chuẩn bị trước vì lộ trình này đã được Quốc hội thông qua. Tất cả mức hưởng, thời điểm điều chỉnh, nguồn trả lương đã được chuẩn bị trước trong dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua đã có cả khoản này.
“Điều chỉnh lương không làm tăng giá”
- Bộ LĐ, TB&XH có tính đến tác động của việc tăng lương đến đời sống xã hội? Liệu tăng lương có làm tăng giá các mặt hàng, thưa bà?
- Với số lượng người hưởng lương từ ngân sách chỉ 6-8 triệu người thì không chi phối đến 46 triệu lao động trên cả nước. Nên nói tăng lương làm tăng giá là không phải. Chúng ta chỉ được bù đắp một phần là tương đương với mức trượt giá của 2008. Chúng ta không thể để đời sống của người lao động hưởng lương từ ngân sách hưởng lương thấp so với giá cả thị trường.
- Nhưng kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nhiều lần giá cả bị đội lên sau khi tăng lương cơ bản do có tình trạng đầu cơ?
- Việc điều chỉnh lương theo hướng tăng lên sẽ tạo không khí phấn khởi bù đắp được một phần trượt giá, đảm bảo cuộc sống và thu nhập thực tế của người lao động.
Nếu ở đâu đó lợi dụng tình hình điều chỉnh lương để tăng giá thì đó là việc làm sai trái, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm về mặt quản lý nhà nước để không làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Không thể để những kẻ đầu cơ trục lợi nâng giá làm phản tác dụng tiền lương của chúng ta.
“Tăng lương không làm khó cho tạo việc làm mới”
- Liệu việc tăng lương có làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh các doanh nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế?
- Tất nhiên khi điều chính mức lương tối thiểu cho khối doanh nghiệp chúng tôi cũng tham khảo của các tổ chức, bộ ngành liên quan như VCCI, các hiệp hội để xem mức điều chỉnh như thế họ có chịu được.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khi điều chỉnh mức lương cũng phải tính toán làm sao để họ có thể chịu được nếu cao quá người lao động được lợi còn người sử dụng lao động không chịu nổi và buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc tệ hơn là không sản xuất nữa thì người lao động cũng mất việc.
- Còn với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sao, thưa bà?
- Từ đầu năm CP đã ban hành nghị định điều chỉnh về lương tối thiểu đối với DN có vốn đầu tư trong nước lương tối thiểu tăng từ 650 lên 800 nghìn/tháng, còn doanh nghiệp nước ngoài từ 920 nghìn lên 1,2 triệu đồng/tháng. Việc này cũng theo lộ trình cải cách tiền lương và tiến tới thống nhất mức lương tối thiểu đối DN vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cho đến 2012 . Đây là mặt bằng lương được điều chỉnh theo thời gian thực tế của từng năm, nước nào cũng làm thế.
Việc điều chỉnh có tăng chi phí đầu vào với doanh nghiệp nhưng chủ yếu số lượng không lớn liên quan đến việc nộp BHXH, BH y tế, chế độ trợ cấp mất việc ... chứ còn lương thực tế của người lao động thuộc khu vực này phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
- Vấn đề điều chỉnh lương có ảnh hưởng đến lao động việc làm năm nay không, thưa bà ?
- Tôi cho là không ảnh hưởng gì đến việc tuyển dụng cả. Vẫn có việc làm mới chuyển từ khu vực này sang khu vực khác cũng có, dự án đầu tư mới.... Nhìn chung năm nay vẫn mất việc làm nhưng điều chỉnh lương không ảnh hưởng, mất việc chủ yếu do suy thoái kinh tế toàn cầu chúng ta ảnh hưởng. Còn việc điều chỉnh lương tối thiểu theo từng năm quốc gia nào cũng làm để bù đắp do tăng trưởng đất nước, do hiệu quả kinh tế năng suất lao động, và trượt giá.
“Nghe thì cứ tưởng là tăng lương nhưng thực ra chúng ta đang điều chỉnh tiền lương đảm bảo với thực tế. Bởi vì tiền lương chúng ta đang hưởng hiện đã bị trượt giá 20% nếu tính đến bây giờ thì có thể hơn. Nếu ở đâu đó lợi dụng tình hình điều chỉnh lương để tăng giá thì đó là việc làm sai trái, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm về mặt quản lý nhà nước để không làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động.” Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |