Thấy gì qua một buổi tiếp công dân

08:42, 06/04/2009

Gần 1 năm nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15), lãnh đạo UBND huyện Phú Bình lại tổ chức tiếp công dân để đối thoại trực tiếp về những vấn đề mà người dân quan tâm, thắc mắc.

Chúng tôi có dịp được dự buổi tiếp công dân ngày 01/4/2009. Chủ trì buổi tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Tuấn, tiếp bà Nguyễn Thị Toàn, ở xóm Đồi, xã Nhã Lộng, có đất và nhà ở tại xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thuỵ. 3 vấn đề được bà Toàn đề nghị giải quyết, đó là: Rất nhiều lần, bà đến xã, huyện gặp các bộ phận chức năng nhưng không ai "chịu" xác nhận vào đơn để bà được vay vốn ngân hàng; trước đây khi tiến hành kiểm đếm giải phóng mặt bằng nâng cấp Quốc lộ 37 lần 2, gia đình bà có tên trong danh sách được đền bù 66m2 đất, nhưng sau đó lại không? Tại sao nhà ông Thưởng bên cạnh lại được đền bù theo giá đất thổ cư mà không phải đất nông nghiệp?

 

Về việc bà Toàn không được các cơ quan chức năng của huyện xác nhận vào đơn để vay vốn ngân hàng, đồng chí Lê Văn Tuấn giải thích: Theo xác minh ban đầu của Thanh tra huyện, sau đó là kết luận chính thức của Công an huyện Phú Bình ngày 24/11/2008, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) của bà Toàn được cấp trái với các quy định của pháp luật vì không có hồ sơ lưu tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện; bà Toàn không có thủ tục xin cấp đất; không có tên bà Toàn trong sổ cấp bìa đỏ của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Qua xác minh cho thấy, năm 2001, bà Toàn mua của ông Dương Văn Huynh, xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thuỵ 300m2 đất 2 lúa tại thửa số 531 tờ bản đồ số 10. Nhưng trong bìa đỏ của bà Toàn lại thể hiện 300 m2 này là đất thổ cư. Số thửa của bà Toàn cũng là 531 trùng với số thửa của ông Huynh, trong khi đó, trong bìa đỏ của ông Huynh lại chưa trừ số diện tích đã bán cho bà Toàn.  Theo điểm 1, Điều 21, Nghị định số 84 ngày 25/3/2007 của Chính phủ, Công an huyện Phú Bình đề nghị, UBND huyện ra quyết định thu hồi lại bìa đỏ của gia đình bà Toàn. Sau đó, các cơ quan chức năng có trách nhiệm hướng dẫn bà Toàn làm thủ tục, lập hồ sơ địa chính và cấp lại bìa đỏ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo chỉ đạo của UBND huyện, xã Điềm Thuỵ đã 3 lần gửi thông báo đến bà Toàn yêu cầu nộp lại bìa đỏ để làm thủ tục cấp lại nhưng bà không nộp với lý do đã dùng bìa đỏ này thế chấp với tư nhân để vay tiền. Như vậy, việc xã Điềm Thuỵ và các cơ quan chức năng của huyện Phú Bình không xác nhận vào đơn để bà Toàn vay vốn ngân hàng là hoàn toàn đúng.

 

Đối với kiến nghị của bà Toàn về việc gia đình ông Thưởng được đền bù đất theo giá đất thổ cư, tham gia buổi tiếp công dân, chị Dương Thị Lương, cán bộ địa chính xã Điềm Thuỵ cho biết: Năm 2003, gia đình ông Thưởng mua 477m2 đất nông nghiệp của gia đình ông Tòng. Cuối năm 2004, ông Thưởng đã làm thủ tục chuyển đổi 225m2 sang đất thổ cư. Khi giải phóng mặt bằng nâng cấp Quốc lộ 37 lần 2, gia đình ông Thưởng được đền bù 45m2 đất nông nghiệp, 15,8m2 đất thổ cư và hơn 800 nghìn đồng tiền tài sản trên đất, chứ không phải là được đền bù 50m2 đất thổ cư như bà Toàn phản ánh. Về vấn đề thứ 3 bà Toàn quan tâm, chị Lương giải thích tiếp: Sở dĩ lúc đầu gia đình bà Toàn được thông báo có 66m2 đất được đền bù để nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37 lần 2 là vì ban đầu tổ công tác căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất của các gia đình. Nhưng khi tiến hành đền bù, căn cứ vào bản đồ thì phát hiện phần diện tích đất đó là của người khác, đã được đền bù năm 2000 khi Nhà nước thu hồi để nâng cấp Quốc lộ 37 lần 1.

 

Sau nhiều ý kiến tham gia phát biểu của đại diện các cơ quan tại buổi tiếp công dân, sự trao đổi giữa bà Toàn và lãnh đạo UBND huyện, đồng chí Lê Văn Tuấn kết luận: Bà Toàn cần sớm nộp lại bìa đỏ cũ để cơ quan chức năng của huyện hoàn thiện các thủ tục và cấp lại bìa đỏ; việc bồi thường đất của gia đình ông Thưởng giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Điềm Thuỵ xác minh, làm rõ; gia đình bà Toàn có trách nhiệm bàn giao phần diện tích đất đang sử dụng mà Nhà nước đã đền bù cho đơn vị thi công ngay sau khi nhận được thông báo tiếp dân ngày hôm nay (01/4/2009)…

 

Trao đổi với chúng tôi sau buổi tiếp công dân, đồng chí Lê Văn Tuấn khẳng định: Về cơ bản, buổi tiếp công dân này đã đạt được những yêu cầu đặt ra. Qua việc tiếp công dân nói chung và buổi tiếp công dân này nói riêng cho thấy, người dân đang rất thiếu thông tin về nhiều cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong khi đó trình độ, năng lực và lòng nhiệt tình trong công việc của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, dẫn đến việc giải thích về các vấn đề liên quan không rõ ràng khiến người dân hiểu chưa đủ, chưa đúng (cá biệt có cả những trường hợp cố tình không hiểu hoặc bị người khác xúi giục với ý nghĩ được thì tốt, không được thì thôi). Việc tiếp công dân của lãnh đạo huyện là rất cần thiết, bởi qua đây không những sẽ cơ bản giải quyết được những băn khoăn, thắc mắc của người dân mà còn biết được năng lực, trình độ của cán bộ cấp dưới để từ đó có biện pháp can thiệp hợp lý.