Tất cả những người từ vùng dịch nhập cảnh vào VN sẽ được theo dõi chặt. Kiểm tra tại sân bay không phát hiện triệu chứng cúm lợn, họ sẽ được phát khẩu trang và khi về địa phương sẽ được cán bộ y tế cơ sở theo dõi tiếp trong 7 ngày.
Riêng trong ngày hôm qua (29/4), hai sân bay lớn là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM) có hơn 8.000 người nhập cảnh. Tuy nhiên vẫn chưa phát hiện hành khách nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm lợn A/H1N1. Trong đó, riêng tại sân bay Nội Bài là có hơn 3.800 người nhập cảnh (có 123 người từ Mỹ trở về); khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất là hơn 5.000 người; cả hai sân bay không tiếp nhận người nào đến từ Mexico.
Theo TS Phan Trọng Lân, Phó phòng Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, tất cả những người này đều đã được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay. Nhất là những đối tượng đến từ vùng có dịch, họ đều được phát khẩu trang và được cán bộ y tế dặn dò phải tự theo dõi bản thân mình trong vòng 7 ngày. "Vì đặc trưng của bệnh cúm heo A là khả năng lây lan ngay khi chưa có biểu hiện lâm sàng (có khả năng lây truyền trước một ngày bệnh nhân xuất hiện triệu chứng và tiếp tục có khả năng lây truyền liên tục trong bảy ngày tiếp theo), vì thế, khi về địa phương họ sẽ được cán bộ y tế địa phương theo dõi chặt nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người trong việc phòng lây nhiễm ra cộng đồng, đó là hãy luôn đeo khẩu trang và tự theo dõi sức khỏe của chính mình, nhất là nếu mới trở về từ vùng dịch”, TS Lân nói.
Về việc quản lý hơn 210 người VN trở về từ vùng có dịch (200 người từ Mỹ và 10 người từ Mexico), TS Nguyễn Huy Nga cho biết, những người này về nước từ trước khi có dịch nên không có thông tin cảnh báo và không được kiểm tra và cũng không biết họ đi đâu, làm gì.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng và tìm hiểu được thông tin về những người này và đã báo cho y tế địa phương. Hơn 200 người này sẽ được các trung tâm y tế dự phòng tại nơi họ sinh sống theo dõi chặt tình hình sức khoẻ để có những chẩn đoán điều trị kịp thời cũng như cách ly và khoanh vùng không để lây lan dịch bệnh.
Cũng trong chiều 29/4, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập “Hội đồng chuyên môn nghiệm thu Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cúm heo H1N1”. Tại buổi họp đầu tiên, TSNguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đánh giá, do mở rộng thông thương quốc tế, nên nguy cơ xâm nhập dịch cúm heo H1N1 vào VN là có khả năng. Nếu mắc dịch thì rất dễ lan rộng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Từ tình hình dịch trên thế giới, các chuyên gia cũng nhận định, cúm heo lây truyền từ người sang người, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong.
Cho đến tối 29/4, Bộ Y tế cho hay, vẫn chưa phát hiện ca bệnh nào tại VN. Song các cơ sở điều trị đã chuẩn bị đầy đủ, phương tiện, kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị người bệnh, kể cả thuốc điều trị cho bệnh nhân. Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đã có hướng dẫn khoa truyền nhiễm bệnh viện tuyến tỉnh, và tuyến dưới để có thể cảnh giới và phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm H1H1.
Còn hiện tại, dịch cúm lợn trên thế giới vô cùng nóng bỏng, với việc xác nhận một trường hợp ở Mỹ tử vong vì cúm lợn (là nước thứ 2 có bệnh nhân tử vong sau Mêxico), và thêm nước Đức xác nhận có bệnh nhân dương tính với cúm lợn, nâng thành 8 nước có bệnh nhân này. Ngoài ra, hàng chục nước khác đang có các ca nghi ngờ nhiễm cúm lợn, trong đó có Hàn Quốc (châu Á). WHO cũng đã nâng mức báo động dịch lên cấp độ 5 có nghĩa là virus được phát hiện tại ít nhất hai nước trên châu lục, dấu hiệu đại dịch đã đến gần. Cấp độ này áp sát cấp độ 6 cuối cùng là đại dịch toàn cầu.