Tiếp tục đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện

14:00, 05/04/2009

Năm 2001 tỉnh Thái Nguyên mới vận động hiến máu được trên 700 đơn vị máu thì đến năm 2008 đã được 3.600 đơn vị máu, trong quý I/2009 được gần 1.800. Trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 75,7%, là một trong 16 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phong trào này.

Năm 2009 là năm thứ 5 thực hiện Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 7-4-2004 của Chính phủ lấy ngày 7/4 hàng năm là ngày "Toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện". Đây là một hoạt động mang ý nghĩa xã hội nhân đạo cao cả, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

 

Từ nhiều năm nay, phong trào Hiến máu tình nguyện trong cả nước đã thu được nhiều kết quả, trở thành một phong trào rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân, thu hút đông đảo các lực lượng tham gia, nhất là lực lượng thanh niên - sinh viên. Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được Quốc hội thông qua tháng 6/2008 và có hiệu lực từ 01/01/2009 quy định: Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tham gia hoạt động Chữ thập đỏ về hiến máu tình nguyện là hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu máu phục vụ chữa bệnh.

 

Theo số liệu năm 1994 có 10% số người hiến máu tình nguyện thì năm 2008 đã thu được 564.401 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 73%. Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới chương trình hiến máu an toàn và phong trào hiến máu tình nguyện. Đến nay ở nước ta đã hình thành bộ máu Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu Trung ương, ở các tỉnh đều có Ban Chỉ đạo và giao cho Hội Chữ thập đỏ là cơ quan thường trực. Mặc dù hoạt động Hiến máu tình nguyện đã đạt được nhiều kết quả, song nhu cầu đáp ứng về máu cho cứu chữa người bệnh trong cả nước mới đạt trên 35%. Do đó nhu cầu về máu đang rất thiếu ở tất cả các bệnh viện trong cả nước.

 

Ở Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện ở cấp tỉnh và 5/9 huyện, thành, thị đã được thành lập và đi vào hoạt động, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhu cầu máu tại các bệnh viện. Năm 2001 mới vận động hiến máu được trên 700 đơn vị máu thì đến năm 2008 đã được 3.600 đơn vị máu, trong quý I/2009 được gần 1.800. Trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 75,7%, là một trong 16 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phong trào này.

 

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng về hiến máu tình nguyện: Lực lượng thanh niên - sinh viên đông, Chính phủ đã cho phép Thái Nguyên thành lập Trung tâm Huyết học Truyền máu khu vực, được đầi tư cơ sở, vật chất cho công tác thu gom, truyền máu. Nhận thức của nhân dân về hiến máu tình nguyện được nâng lên thông qua các kênh truyền thông. Tuy nhiên, so với khả năng, thế mạnh thì tỉnh Thái Nguyên vẫn còn khó khăn trong công tác vận động hiến máu tình nguyện. Toàn tỉnh mới đạt trên 60% nhu cầu về máu cho điều trị, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế phải lấy nguồn máu dự trữ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhiều ca bệnh tử vong do thiếu máu hoặc những nhóm máu hiếm không khai thác kịp thời. Nhân dân ở địa bàn nông thôn, cán bộ, công chức chưa tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, còn 4/9 huyện, thành, thị chưa thành lập Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện, sự phối hợp của các thành viên trong Ban Chỉ đạo các cấp chưa tốt…

 

Với tinh thần: "Hiến máu cứu người - Một nghĩa cử cao đẹp", "Máu cứu người ở ngay trong tim mỗi chúng ta", "Mỗi giọt máu - Triệu tấm lòng", năm 2009 toàn tỉnh phấn đấu thu gom 7.000-8.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 85% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, trước hết Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các kênh truyền thông, thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo để tạo sư phối hợp tốt trong quá trình vận động hiến máu, đa dạng các hình thức vận động như: "Tổ chức ngày thứ bảy, chủ nhật hồng", "Chiến dịch mùa hè đỏ", "Giọt hồng nhân ái"… Tổ chức mít tinh, gặp mặt tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình nhân ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu 14/6 hàng năm, đảm  bảo quyền lợi của người tham gia hiến máu tình nguyện…