Sau khi huyện Võ Nhai tổ chức giải tỏa 18/3 đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Thần Sa vẫn chưa chấm dứt hẳn. Qua kiểm tra, khảo sát ngày 3 /4 của Đoàn công tác do đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cho thấy: Cơ bản những điểm đã giải tỏa không có lán trại mới nào mọc lên.
Tuy nhiên, tình trạng "ém quân" chờ thời cơ tiếp tục khai thác của các bưởng vàng còn phổ biến. Một số điểm khai thác vẫn có dấu hiệu hoạt động…Từ sáng sớm, tại UBND xã Thần Sa, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đã hội ý và quán triệt anh em trong đoàn: "Lần này chúng ta đi đường vòng, dù khó khăn nhưng để có cái nhìn bao quát nhất về địa hình, địa vật và thực trạng nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn".
Trời bắt đầu lất phất mưa, nhưng mọi người trong đoàn ai nấy đều rất quyết tâm. Người tự tìm cho mình chiếc gậy để chống dọc đường vì biết phải đi xa, dốc đá cao, trơn trượt, người đi giầy thể thao, người lại chuẩn bị dép quai hậu, xắn quần đi cho nhanh. Còn chúng tôi, nai nịt gọn gàng, áo mưa quấn quanh máy sẵn sàng tác nghiệp. Tham gia đoàn kiểm tra có lãnh đạo các ngành: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, UBND huyện Võ Nhai, xã Thần Sa và các lực lượng chức năng khác của huyện.
Đi bộ chừng 40 phút, chúng tôi phát hiện ra một cửa hang rất sâu nằm dưới chân dãy núi đá. Quanh cửa hang, những lán trại bị cháy rụi còn trơ lại những đống tro xám xịt. Ông Nông Xuân Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết, đây là hang Rắn, một trong những điểm khai thác vàng khét tiếng ở Thần Sa, vừa rồi bị huyện truy quét đốt sạch lán trại. Mọi người xuống tận nơi kiểm tra thì phát hiện vẫn có lửa cháy âm ỉ ở cửa hang, cạnh đó thả một con chó nuôi, phía trong thấy cả chậu, nồi, siêu và một can nước uống còn nguyên. Những vật dụng này cho thấy các đối tượng khai thác vàng vẫn lẩn khuất chưa rời đi nơi khác. Chúng tôi đi tiếp đoạn nữa thì đến khu vực động Cô Tiên. Nằm sát hai bên vách đá là các lán trại phục vụ khai thác vàng đã bị tháo dỡ nham nhở. Nhìn bên ngoài không ai nghĩ có người ở, sinh hoạt. Khi tới gần cửa hang, chúng tôi phát hiện một ổ gà đang ấp trong chuồng, một con mèo nằm ở xó bếp, ống nước, dây bơm khí vẫn thòng xuống hang. Một người nào đó trong đoàn gọi vọng xuống hang nhưng không có tiếng trả lời. Trung tá Hạc Sỹ Đông, Tổ trưởng tổ chốt của huyện tại Thần Sa nói: Nhiều hang đã giải tỏa nhưng chúng vẫn cắt cử người ở lại trông nom để chờ thời cơ quay lại. Ở đây có những đối tượng nghiện ma túy là bưởng vàng bị chúng tôi đốt lán đến vài chục lần mà vẫn ngoan cố bám trụ không dời đi. Sáng bị đốt lán thì chui vào trong hang nấp, chiều lại ra dựng lán lên. Cả đoàn lại tiếp tục bám đá, dò từng bước tới thung lũng Boong Xay.
Từ trên nhìn xuống những vạt đá bị dân đào vàng dùng mìn nổ tung lên lộ ra những mảng trắng, đen nham nhở khoét sâu vào lòng núi. Bỗng có hai đối tượng mặt xanh bủng, dặt dẹo tiến lại gần phía chúng tôi. Khi được hỏi, hai đối tượng này nói là người ở Quảng Chu (Chợ Mới-Bắc Kạn) sang làm vàng thuê bên này. Vì nghiện nên phải bám trụ lại kiếm chác. Phía dưới thung lũng, nơi nhiều lán chỉ dỡ bạt, khung còn nguyên, có tiếng nói vọng lên: "Không phải kiểm tra đâu, bọn em đang dọn dẹp để về rồi". Khi xuống tới nơi mọi người hỏi mới biết đây là lán của bưởng Khánh ở phường Tân Long (T.P Thái Nguyên). Lán này đã bị giải tỏa từ hôm 18-3, đến nay đã hơn 10 ngày nhưng vẫn chưa dời đi. Đoàn kiểm tra yêu cầu trong ba ngày phải chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi vùng vàng. Tại khu vực này còn có một đối tượng năm nay đã ngoài 70 tuổi vẫn bám trụ nhất định không chịu đi. Sau hơn hai tiếng đồng hồ leo bộ, đoàn đã có mặt và làm việc với tổ chốt của huyện tại chân núi Tau Lườn, tâm điểm của nạn khai thác vàng trái phép ở Thần Sa thời gian qua.
Buổi chiều, đoàn kiểm tra vào xóm Tân Kim, nơi trước đây từ tin đồn ông Triệu Văn Kinh dọn vườn phát hiện có vàng khiến bà con trong xóm đổ xô đi tìm vận may. Đây đang là một trong những điểm nóng nhất về khai thác vàng trái phép ở Thần Sa. Cả xóm Tân Kim có 53 hộ dân thì 38 hộ tham gia khai thác vàng trái phép. Ông Đặng Nho Minh, Trưởng xóm là một trong những người đứng đầu cùng lập ra tổ "sản xuất" thuê máy xúc, mua máy nghiền về làm vàng. Ông Trân Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Sau khi tìm thấy vàng trong vườn nhà ông Kinh, xóm đã làm đơn trình xin được cải tạo vườn rừng, nhưng khi huyện, xã chưa đồng ý thì các hộ dân trong xóm đã cho máy xúc vào phá rừng, san ủi đồi tìm vàng. Điều đáng chú ý là khu vực này chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn. Khi đoàn kiểm tra vào, các dấu hiệu cho thấy hoạt động khai thác vàng ở đây vẫn diễn ra mặc dù trước đó (ngày 18/02/2009) huyện đã lập biên bản đình chỉ và yêu cầu chậm nhất ngày 23/02/2009 các đối tượng phải tự dỡ bỏ lán trại. Tại đây, đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ lần hai và yêu cầu dỡ bỏ ngay lán trại thì bị các đối tượng, trong đó có cả trưởng xóm Đặng Nho Minh gây cản trở. Đoàn kiểm tra đã giao lại cho chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền và xử lý, đồng thời yêu cầu chậm nhất ngày 8/4/2009 toàn bộ lán trại, máy móc thiết bị phải di dời đi nơi khác.
Tại buổi họp cuối ngày kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Nếu không có sự phát hiện và thông tin của các cơ quan báo chí trên địa bàn thì chắc chắn tình trạng khai thác vàng trái phép ở Thần Sa vẫn còn tiếp diễn và ngày càng nóng bỏng, phức tạp hơn. Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã cần rút kinh nghiệm sâu sắc về chế độ báo cáo và xử lý sự vụ trên địa bàn. Đồng chí cũng hoan nghênh sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của huyện Võ Nhai những ngày qua. Với trường hợp cụ thể ở Tân Kim, đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương phải tích cực tuyên truyền, vận động bà con hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để không phá rừng, khai thác vàng trái phép; xây dựng những điển hình tại cơ sở để tiếp cận, vận động bà con dễ dàng hơn. Với những điểm mỏ đang bị khai thác trái phép, UBND tỉnh sẽ báo cáo đầy đủ với Thường trực Tỉnh ủy để có các giải pháp mang tính lâu dài. Đồng chí cũng cho rằng, việc duy trì tổ chốt hiện nay là cần thiết và có hiệu quả tức thì, nhưng về lâu dài phải tìm phương án khác bền vững hơn. Có thể là giao lại cho một đơn vị có đủ năng lực vào quản lý, khai thác giống như đã làm với khu vực khai thác vàng ở Bản Ná. Có vậy, tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự ở khu vực này mới được lập lại.