Vệ sinh an toàn thực phẩm: Khó kiểm soát vì quy định chồng chéo

10:32, 28/04/2009

Gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều ca nhập viện do ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lây truyền qua thực phẩm đã tạo tâm lý “e ngại” trong sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng. Không thể phủ nhận ngành Y tế cùng các sở, ban, ngành đã nỗ lực rất nhiều trong việc quản lý VSATTP nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn.

Theo thống kê của Sở Y tế, tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 6.800 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý, trong đó có 1.580 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 2.213 cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, 1.138 cơ sở bán hàng rong, 1.816 cơ sở bán rau, quả. Đa số các cơ sở thực phẩm này đều ở dạng quy mô nhỏ, thiếu các điều kiện về VSATTP. Thêm nữa, do chạy theo lợi nhuận nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người. Trong báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược dinh dưỡng và kế hoạch bảo đảm chất lượng VSATTP của tỉnh, 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 700 người mắc, trong đó có 2 người chết. Con số đó chỉ là phần “nổi” với những vụ ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng và người bị nhiễm độc phải nhập viện, còn phần “chìm” với những ca ngộ độc nhẹ chưa đến mức đi cấp cứu thì không ai tính được.

 

Cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh những ngày trung tuần tháng 3 vừa qua, chúng tôi thấy hàng loạt câu hỏi về lĩnh vực “nóng” này chưa được các cơ quan có thẩm quyền trả lời thấu đáo. Ví dụ như các câu hỏi: lượng rau, củ, quả lớn được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh hiện nay thì ngành Y tế có kiểm soát được không? Vì sao đến nay việc cấp giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện VSATTP ở các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, bệnh viện, khu công nghiệp đạt thấp? Việc quản lý hàng rong thế nào? Những cơ sở được cấp GCN đủ điều kiện VSATTP có bao nhiêu phần trăm vi phạm khi hậu kiểm? Khi nào tỉnh hoàn thành việc cấp GCN đủ điều kiện VSATTP?...

 

Trả lời về các vấn đề này, đại diện các ngành chức năng đều cho rằng  do một số văn bản hướng dẫn của cấp trên còn chồng chéo nhiệm vụ giữa các ngành nên dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đơn cử, trong Pháp lệnh VSATTP quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về VSATTP, các Bộ, ngành trong phạm vi quyền hạn có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về VSATTP trong lĩnh vực được phân công. Tuy nhiên tại Nghị định 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 của Chính phủ lại phân công nhiệm vụ cho các bộ chủ trì từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng nên không phân định được rõ trách nhiệm của từng ngành. Thêm nữa, về tổ chức thanh tra chuyên ngành thì theo Luật Thanh tra chỉ có 2 cấp thanh tra chuyên ngành là Bộ và Sở. Còn tại Nghị định 79/2008/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức thanh tra và kiểm nghiệm về VSATTP có thêm thanh tra cấp chi cục. Trong khi đó, tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính lại không quy định cấp xử lý cho Chánh Thanh tra Chi cục. Chính vì có sự chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn nên sự phối hợp giữa các sở, ngành quản lý về VSATTP trên địa bàn chưa cao. Thêm nữa, việc cấp GCN đủ điều kiện VSATTP theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 9/3/2006 là quá rộng với 10 loại thực phẩm có nguy cơ cao bao gồm tất cả các loại thực phẩm.

 

Hiện, việc cấp GCN đủ điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh mới đạt 18,17% (tình hình chung cả nước mới đạt 11%). Đa số mới chỉ cấp GCN cho các bếp ăn tập thể ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học. Tại các bếp ăn tập thể này hầu hết đã thực hiện: bố trí bếp ăn riêng đúng quy định, nhân viên phục vụ tại các bếp ăn đều được học tập các kiến thức về VSATTP và khám sức khỏe theo quy định; có hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm; thực hiện lưu mẫu thức ăn. Còn các cơ sở dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố thì việc tuyên truyền thực hiện pháp luật về VSATTP là rất khó bởi những cơ sở này cố tình trì hoãn hoặc trốn tránh việc thực hiện các quy định trên. Một nguyên nhân nữa được đưa ra là do tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành chậm. Ví dụ, Pháp lệnh VSATTP ban hành ngày 26-7-2003 thì đến ngày 7-9-2004 Chính phủ mới có Nghị định 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh (sau hơn 1 năm). Ngoài ra, do tốc độ phát triển, lưu thông hàng hóa ngày càng nhanh và đa dạng, đặc biệt là hàng hóa thực phẩm nên cần có những văn bản chế tài hướng dẫn quản lý kịp thời.

 

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự chồng chéo của các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải thừa nhận rằng những năm qua, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh chưa được thường xuyên, mới chỉ dừng lại ở hoạt động giám sát chung của ngành Y tế. Đặc biệt là chỉ diễn ra vào Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Hơn nữa, việc đầu tư kinh phí cho hoạt động này lại khá nhỏ giọt. 5 năm qua, ngoài nguồn ngân sách Trung ương trên 3,4 tỷ đồng, thì ngân sách địa phương mới dành ra 20 triệu đồng cho công tác quản lý chất lượng VSATTP...

 

Ông Hà Văn Thức, Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược dinh dưỡng và kế hoạch bảo đảm chất lượng VSATTP cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ từng bước nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục để kiến thức VSATTP đến với từng gia đình, từng người dân trong cộng đồng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; cùng với đó là đầu tư kinh phí và tăng cường cán bộ cho công tác quản lý VSATTP. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác VSATTP, vẫn rất cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và toàn thể nhân dân…