Ni trưởng Thích Đàm Hinh, Trụ trì Chùa Hang (Đồng Hỷ) đã tạ thế chiều ngày 6/4 (tức ngày 12/3 năm Kỷ Sửu) hưởng thọ 103 tuổi. Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của bà là một tấm gương cao cả với nhiều cống hiến cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên và cho xã hội.
Ni trưởng Thích Đàm Hinh sinh ra tại thôn Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên (Nam Định). Từ thủa còn nhỏ, bà đã có chí hướng mến mộ Đạo Phật. Năm 10 tuổi, bà xuất gia tại chùa Ấp Giáng thuộc huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Năm 13 tuổi, bà được đưa về tu tại chùa Đồng Mật, xã Hòa Long, huyện Yên Phong (nay thuộc T.P Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Sau nhiều năm tu hành, bà được làm lễ thụ giới Tỷ khiêu ni (lễ chính thức làm sư) tại tổ chùa Bổ Đà (chùa Tứ Ân) huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Sau khi thụ giới, bà tiếp tục học đạo pháp tại các chùa lớn ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định… Suốt cuộc đời, bà đã từng trụ trì và trùng tu xây dựng 13 ngôi chùa ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Nam Định, tiêu biểu như chùa Hang, chùa Huống Thượng, chùa Tân Quang, chùa Phúc Xuân… Với những cống hiến lớn cho nhà Phật, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ V năm 2002 tại Hà Nội, bà được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong làm Ni trưởng. Mong muốn được truyền bá đạo Phật sâu rộng tại Thái Nguyên, năm 2004, Ni trưởng Thích Đàm Hinh cùng nhiều hòa thượng khác vận động thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên. Năm 2005, tại Đại hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất, Ni trưởng Thích Đàm Hinh được bầu làm Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh.
Với đạo, bà là người Ni trưởng ưu tú, với đời, bà tham gia đóng góp rất nhiều cho hoạt động xã hội, từ thiện. Trước năm 1940, khi còn làm Trụ trì chùa Đồng Mật, ni Thích Đàm Hinh cùng các tăng ni nhà chùa đã nuôi dấu nhiều cán bộ cách mạng như Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh... Hòa theo khí thế Cách mạng tháng Tám, năm 1945, bà tham gia tổ du kích Đồng Mật phục vụ cách mạng. Năm 1946, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước nhà, chùa Đồng Mật lại trở thành cơ sở nuôi dấu, đưa đón cán bộ cách mạng. Đến năm 1949, cơ sở cách mạng tại chùa Đồng Mật bị lộ, bà được tổ chức dời về chùa Huống Thượng (Đồng Hỷ) tiếp tục tu hành. Tại đây, bà đã cho mở trường học và mời thầy giáo về dậy học cho con em địa phương. Nhiều người, từ lớp học của bà đã trưởng thành và có nhiều đóp góp cho địa phương.
Trong suốt cả cuộc đời Ni trưởng Thích Đàm Hinh đã hết lòng chăm lo Phật sự, tốt đạo đẹp đời. Ni trưởng dành nhiều tâm huyết chăm lo xã hội với nhiều việc làm cao đẹp. Từ nguồn công đức của các phật tử, Ni trưởng Thích Đàm Hinh đã ủng hộ xây dựng 3 trạm y tế; xây 22 phòng học tặng các trường mầm non, tiểu học của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn; mua 100 m2 đất và xây nhà tặng Hội Chữ thập đỏ huyện Đồng Hỷ; xây trạm biến áp 130Kv tặng nhân dân xã Tân Quang (thị xã Sông Công)… Ni trưởng cũng cho đúc 8 quả chuông nặng trung bình mỗi quả 1 tấn để tặng cho nhiều ngôi chùa ở Thái Nguyên và đúc 4 bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng để tặng cho các cơ quan trong tỉnh. Ngoài ra, Ni trưởng Thích Đàm Hinh cũng thường xuyên ủng hộ các quỹ từ thiện, ủng hộ những nơi bị thiên tai, bão lũ và ủng hộ cho người nghèo, người không nơi nương tựa…
Với những cống hiến, đóng góp đó, bà được tín nhiệm bầu làm uỷ viên Uỷ Ban MTTQ tỉnh, ủy viên ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ nhiều khóa liên tục. Năm 2007, bà được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 2; Huân chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết. Năm 2008, bà được nhận Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ. Ngoài ra, bà cũng nhận được nhiều Bằng khen của tỉnh Thái Nguyên vì những đóng góp cho tỉnh và các nghĩa cử cao đẹp với xã hội. Ni trưởng Thích Đàm Hinh mất đi nhưng tấm lòng của bà vẫn còn lưu lại mãi trong các tăng ni, phật tử và nhân dân Thái Nguyên.