Đất Xuyên Sơn có vàng, nhưng người Xuyên Sơn không giàu nhờ vàng; bằng sự chăm chỉ lam làm, người Xuyên Sơn dần thoát nghèo bằng ngô, khoai, sắn trồng được trên nương rẫy, bằng con lợn, con gà nuôi trong chuồng. Sau đỉnh núi mờ sương, cuộc sống của hơn 60 hộ dân nơi đây đã vơi dần đói nghèo, lạc hậu…
Vui đấy! Nhưng vẫn chạnh lòng bởi những dấu tích mà người đi tìm vàng từ tứ phương kéo về đất Xuyên Sơn đã để lại: Đất đai nham nhở những hầm, những ao vàng; nguồn nước sản xuất, sinh hoạt bị ô nhiễm do nổ mìn và các hoá chất phân loại vàng gây ra…
Sau hơn một tiếng đồng hồ vật lộn với đèo với dốc, Bản Ná (Xuyên Sơn-Thần Sa - Võ Nhai) đã hiển hiện trước mắt chúng tôi. Đường vào Bản Ná tuy đã khá hơn những năm trước, những vẫn còn cheo leo, ngày nắng thì vào được bản, vào bản rồi, nếu gặp trời mưa thì không ra được. Đứng từ trên đỉnh đèo cao nhìn xuống, Bản Ná được thu nhỏ trong tầm mắt, hoang vắng và tiêu điều, những nếp nhà sàn còn sót lại trông nhỏ nhắn như những hộp diêm nằm khiêm nhường dưới những ngọn núi sừng sững cao ngất. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe thấy tiếng máy cưa gỗ văng vẳng từ một góc khuất vọng lại - đó là thứ âm thanh duy nhất phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng.
Hồi ức chợt ùa về, ngày còn bé tôi đã từng nghe những câu chuyện kể về những kiếp sống giang hồ của những người đi tìm vận may nơi Bản Lá, nghe thật rùng rợn. Bản Ná là địa danh “vang bóng” một thời bởi cách ăn chơi sa đoạ của những cai vàng “trúng ục”; những hầm hố sâu thăm thẳm từng “nuốt sống” hàng trăm mạng người; những đàn anh, đàn chị xử lý mâu thuẫn bằng một thứ luật riêng gọi là “luật rừng”… Vậy mà hôm nay, tôi đã có cơ hội sải những bước chân trên mảnh đất mà ngày thơ bé tôi chỉ tưởng tượng thôi đã thấy hãi hùng, khiếp sợ. Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh Toản (người dẫn đường) liền chỉ một đám đất bỏ hoang cỏ dại đã mọc xanh, rồi nói: Chỗ đó đã từng vùi sống hơn 60 người khi đang đào bới tìm vàng. Buổi tối người bản xứ cũng không dám đi qua đây!
Qua Bản Ná, con đường nhỏ hẹp, ngoằn nghèo, men theo sườn núi, có đoạn đã được hạ cấp, đổ bê tông khiến việc đi lại dễ dàng hơn, dẫn chúng tôi đến trung tâm xóm Xuyên Sơn. Nhà đầu tiên chúng tôi dừng chân là gia đình ông Lý Văn Tiệu. Ngôi nhà sàn đơn sơ, nhưng chắc chắn và sạch sẽ nằm chênh vênh trên sườn núi (có lẽ nhà ông Tiệu ở vị trí cao nhất xóm); ở một góc nhà sàn, bếp lửa cháy bập bùng, tí tách tiếng củi nổ; mùi thức ăn đã nấu chín thoang thoảng bay. Đứng từ nhà ông Tiệu có thể bao quát hết được quang cảnh của cả xóm Xuyên Sơn. Những nếp nhà sàn nằm san sát nhau, mái ngói cũ, mới đan xen, nhấp nhô như gợn sóng. Câu chuyện giữa chủ và khách không ồn ào nhưng thân mật và mộc mạc. Tôi hỏi ông Tiệu: Sao dân bản không lợp mái nhà sàn bằng lá cọ ở cho mát, lợp ngói sẽ tốn kém hơn mà mùa hè thì nóng lắm?
-Người dân Xuyên Sơn cho rằng nhà nào lợp ngói mới là thoát nghèo, mới khá giả, nên ai cũng phấn đấu lợp ngói cho ngôi nhà sàn của mình.
Bất giác tôi đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ cố gắng tìm kiếm một mái nhà tranh nhưng không thấy. Vậy là xóm Xuyên Sơn không còn hộ nghèo? Tôi thoáng nghĩ. Buổi chiều, tôi đem tâm sự đó chia sẻ với anh Lê Văn Tiến, Bí thư Chi bộ xóm Xuyên Sơn, anh nở nụ cười thật hiền hậu: Nếu theo tiêu chí cũ, số hộ nghèo trong xóm còn rất ít, nhưng giờ theo chuẩn mới thì cũng còn nhiều hộ, nhưng cuộc sống là liên tục phấn đấu mà! Hơn 50 hộ trong xóm đã mua được xe máy; hầu như nhà nào cũng có ti vi đen trắng, đài cátset nhỏ, vì ở đây chưa có điện lưới quốc gia, dân bản phải sử dụng bằng bình ắc quy hoặc thuỷ điện nhỏ, những loại đó mới tải được, để xem thời sự, kịp thời nắm bắt các thông tin mới, mở mang hiểu biết ra thế giới bên ngoài, học tập các phướng thức làm ăn hiệu quả…
Xóm có 16 đảng viên, luôn đầu tầu gương mẫu trong mọi phong trào, sinh hoạt thường xuyên theo định kỳ mỗi tháng một lần. Trong năm nay, chi bộ tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ để kết nạp thêm 2 quần chúng ưu tú vào Đảng, phấn đấu đạt chi bộ trong sạch vững mạnh. Bà con trong xóm đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng được nhà văn hoá xóm có tổng trị giá hơn 20 triệu đồng. Các tổ chức đoàn thể chính trị được củng cố và từng bước nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt, duy trì hoạt động thường xuyên. Trẻ em trong xóm đều được đến lớp đúng độ tuổi. 5 năm nay xóm không có trường hợp nào sinh con thứ 3 trở lên.
Anh Tiến dẫn chúng tôi ra con đập Tắc Kiệm, con đập được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 1994, ngăn và điều tiết nước tưới cho khoảng 30 ha đất canh tác của xóm Xuyên Sơn. Tuy nhiên, anh Tiến cho biết, do nguồn nước từ Thượng Kim, Khau Âu chảy về đã bị nhiễm hoá chất do việc khai thác, đào đãi vàng vẫn diễn ra đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa và cây màu trên đất Xuyên Sơn, năng suất lúa chỉ đạt gần 40tạ/ha.
- Cán bộ khuyến nông có thường xuyên vào đây hướng dẫn bà con các phương thức canh tác mới không anh? Tôi hỏi.
- Hơn một năm rồi không thấy cán bộ nông nghiệp nào vào đây cả, lâu lắm mới vào một lần thôi. Chỉ có cán bộ y tế và giáo dục là hay vào Xuyên Sơn.
- Người ở tận đâu đâu còn đến Bản Ná tìm vàng, sao dân bản mình không tìm vàng cho nhanh giàu?
- Cả xóm chẳng có ai làm bưởng vàng cả, và càng không có ai giàu được nhờ vàng, thỉnh thoảng trong những ngày nông nhàn, có một số người đi đãi sái vàng thôi, ngày kiếm thêm 20-40 nghìn đồng/ngày là cùng. Bây giờ Nhà nước cấm đào đãi vàng rồi; rừng thì cạn kiệt, dân bản chỉ tập chung vào sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu... Xuyên Sơn có diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, xung quanh chỉ toàn núi đá, độ dốc lớn, đưa cây gì vào trồng cũng khó. Chúng tôi chỉ đạo bà con trong xóm cải tạo diện tích sẵn có, nâng cao hiệu qủa vòng quay của đất.
Tiếp xúc với một người Bí thư chi bộ nơi vùng sâu vùng xa, điều kiện phát triển kinh tế -xã hội còn gặp nhiều khó khăn mà có những suy nghĩ thông thoáng, tiến bộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng như anh Tiến trong lòng mỗi chúng tôi không khỏi thầm vui. Anh Tiến cho biết anh làm Bí thư chi bộ đã hơn 10 năm, anh sẽ cố gắng hết mình để không phụ lòng tin yêu của dân bản. Hy vọng một ngày nào đó chúng tôi quay lại, câu chuyện giữa chúng tôi sẽ chỉ còn những chuyện vui.
A…B…C… tiếng đánh vần bảng chữ cái đồng thanh của các học sinh tiểu học ở phân trường Xuyên Sơn âm vang, nghe như một bản nhạc reo vui giữa bát ngát núi rừng. Con đường trở về thành phố như gần hơn.