Trung tâm KTTV TƯ dự báo, bão có thể mạnh lên và bất ngờ đổi hướng, giống cơn bão Chanchu năm 2006. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chiều 4/5 đã yêu cầu việc dự báo hướng đi của bão phải nhanh, chính xác và các địa phương phải sẵn sàng ứng phó.
Chưa kể, ngoài khơi Philippines cũng đang có 2 cơn bão khác và 1 áp thấp nhiệt đới hoành hành. Trong đó, một cơn bão cách đảo Ludông 300-400km về phía Đông đang gây ảnh hưởng tới bão số 1, làm cơn bão này mạnh lên khá nhanh.
Do tác động của bão đôi, bão trên biển Đông di chuyển tương đối chậm. Sau khi thoát khỏi hướng Đông Bắc, nó sẽ dịch chuyển nhanh hơn và mạnh hơn. Vùng biển nam Trung Bộ, khu vực quần đảo phía bắc Hoàng Sa, Trường Sa sẽ bị bão đe dọa trực tiếp. Từ Ninh Thuận đến Bình Định dự kiến sẽ có mưa tương đối lớn, có nơi trên 300mm.
Tại cuộc họp giao ban chiều 4/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát cho rằng, bão số 1 có dáng dấp bão Chanchu năm 2006. Bão có thể đổi sang hướng Đông Bắc, rồi hướng Bắc, cần hết sức cảnh giác. Ông lo ngại việc ngư dân trên biển thiếu thông tin, sẽ đi theo hướng bão hoặc rơi vào tâm bão.
Đặc biệt, tàu thuyền trong khu vực giữa Trường Sa và Hoàng Sa sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, bởi nơi đây có độ sâu từ 1.000-2.000m, chưa kể từ đảo này sang đến đảo khác cũng mất hàng trăm kilomet.
Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thông tin cho ngư dân biết đường đi của bão, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần rà soát, kiểm đếm lại lượng tàu thuyền vì số lượng tàu trên biển còn rất lớn, nhất là với tàu ngư dân, chỉ cần sóng cấp 7-8 là có thể bị đánh chìm.
Ngoài ra, đến nay vẫn chưa có thông tin về các tàu vận tải của các DN tư nhân hoạt động trên biển.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, đối với tàu thuyền từ Kinh độ 111 trở lên cần chạy vào bờ, còn dưới Vĩ độ 10 cần đi xuống phía Nam, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Những tàu cá ở gần Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao sớm liên lạc với Trung Quốc để ngư dân tránh trú bão.
Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đã ra lệnh cho tàu hải quân, cảnh sát biển và tàu tìm kiếm cứu nạn trực 24/24h, với 6 chiếc ở Trường Sa, 5 chiếc ở Đà Nẵng, 3 chiếc ở Cam Ranh, 2 chiếc ở Nha Trang (Khánh Hoà) và 4 chiếc ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, có 10 máy bay, trong đó có 2 chiếc A56 và 8 chiếc trực thăng, đang đậu ở Gia Lâm, Hoà Lạc, Tân Sơn Nhất, Nha Trang và Đà Nẵng sẵn sàng đợi lệnh xuất phát.
Theo Ban chỉ đạo PCLB TƯ, đến 15h30 ngày 4/5, Bộ đội Biên phòng và chính quyền các địa phương đã kiểm đếm, thông báo cho 5.624 tàu/40.437 ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí của bão số 1.
Trong đó, khu vực giữa biển Đông và đảo Trường Sa có 268 tàu/3.611 ngư dân, khu vực đảo Hoàng Sa có 29 tàu/497 ngư dân. Có 8 tàu với 78 ngư dân của Tiền Giang đang đánh bắt ở phía Đông đảo Trường Sa, nghe tin có bão đã đi tránh ở Philippines. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có Công hàm đề nghị phía bạn cho các tàu trên vào tránh bão và có giúp đỡ nhân đạo khi cần thiết.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, bão số 1 là cơn bão đầu tiên trong năm 2009, không theo quy luật gì và có thể mạnh lên, bất ngờ đổi hướng giống cơn bão Chanchu. Phó Thủ tướng cho rằng, việc quan trọng nhất là Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cần dự báo chính xác hướng đi của bão để kịp thời thông báo cho ngư dân.
Đồng thời, các địa phương cũng phải sẵn sàng phó, nhất là việc rà soát lại vật tư dự trữ và chuẩn bị 4 tại chỗ. Ông yêu cầu cử 4 đoàn đi kiểm tra công tác PCLB tại các địa phương, xem việc này các tỉnh thực hiện thế nào.
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khởi động, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống phòng chống lụt bão để bộ máy này vận hành trơn tru, tránh tình trạng bị động như mùa mưa bão năm 2008, ngay từ đầu mùa mưa lũ đã gây ngập lớn tại Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái.
Ngay trong tháng 5 này, sẽ tiến hành kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các tỉnh, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. "Cần có phương án phòng chống, rà soát và di dân ra khỏi những vùng xung yếu. Ở miền núi cũng phải trang bị canô cứu hộ trong tình huống khẩn cấp, miền Nam lo sơ tán dân. Công tác phòng chống lụt bão phải chủ động xuống tận thôn, xã", Bộ trưởng nhắc nhở.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến nay cả TƯ và địa phương đã bố trí dự phòng ngân sách cho công tác PCLB năm nay.
Về gạo dự trữ quốc gia, sau khi Chính phủ yêu cầu xuất cứu đói năm 2008 nay đã mua bổ sung xong cho năm 2009, đủ ứng cứu khi cần thiết. Mặt hàng xăng dầu cũng đã nhập bổ sung. Riêng áo phao và xuồng cứu hộ đã được tổ chức đấu thầu. Chuyến hàng áo phao nhập khẩu đầu tiên 1-2 ngày tới sẽ cập cảng Hải Phòng.
Theo Bộ Quốc phòng, mỗi vùng hiện có trung bình 10 xuồng cứu nạn, chưa kể các địa phương cũng có. Bộ này kiến nghị nên có 1 tàu cứu nạn ở đảo Phú Quý, một tàu ở Nghi Sơn (Quảng Ngãi) để ứng cứu khi cần thiết vì từ đó ra Hoàng Sa chỉ cách 100 hải lý. Hiện cả nước cũng đã có 50 xuồng vượt sóng nhẹ, có thể dùng mái chèo di chuyển rất hữu hiệu khi có sóng lớn, nên mua bổ sung thêm.