Ngày 1/5/2009, tại trang trại chăn nuôi của gia đình bà Phạm Thị Lan, xóm Ao Ngo, phường Cải Đan, T.X Sông Công, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật T.X Sông Công đã chỉ đạo tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm gồm gần 8 nghìn con gà; gần 11,5 nghìn quả trứng gà đang ấp và gần 5 nghìn quả trứng thường để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nguyên nhân dẫn đến dịch cúm gia cầm tại gia đình bà Lan do: Ngày 15/4/2009, gia đình bà Lan có mua hơn 100 con gà trống, giống gà Mía mang từ Bắc Giang, Hà Nội về để ghép đàn trống mái. 5 ngày sau, đàn gà của gia đình bà Lan bắt đầu chết. Đến ngày 28/4/2009, gà bắt đầu chết hàng loạt, tận khi đó, bà Lan mới báo cáo với cơ quan chức năng địa phương về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm của gia đình mình. Điều quan tâm là toàn bộ đàn gia cầm gần 8 nghìn con gà của trang trại bà Lan đều được tiêm phòng đầy đủ, việc chăn nuôi có bài bản, đúng kỹ thuật, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ. Nhưng do chủ quan, khi nhập thêm gà trống về ghép đàn, gia đình bà Lan đã không làm tốt công tác phòng dịch, như: Không kiểm tra, xác minh được số gà mới nhập về đã được tiêm phòng hay chưa. Đồng thời bà Lan cũng không thông qua cơ quan thú y địa phương để lấy mẫu phẩm kiểm tra bệnh dịch, nên dẫn đến hậu quả... gà ngoại tỉnh đổ bệnh cho gà nhà.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Trương, Trạm trưởng Trạm Thú y T.X Sông Công cho biết: Toàn bộ số gia cầm của trang trại bà Lan đã được chôn huỷ đúng quy trình, có bọc lót tấm ni lông, rắc vôi bột xuống đáy hố, phun thuốc khử trùng, tiêu độc mới lấp đất. 2 ngày sau, do đất lấp phía trên bị lún sụt, gây ra mùi hôi thối, cơ quan Thú y đã tiếp tục xử lý bằng phun thuốc khử trùng, khử mùi và tiếp tục lấp lèn đất ở phía trên...
Được biết, ngoài việc tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm, cơ quan Thú y T.X Sông Công còn trực tiếp cùng gia đình bà Lan thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, đồng thời thành lập chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm ra - vào vùng ổ dịch. Đặc biệt, Trạm Thú y thị xã đã triển khai việc tiêm phòng bổ sung bao vây trong vùng dịch; vận động nhân dân địa phương tích cực tham gia các biện pháp phòng dịch. Đến nay, bệnh dịch đã không phát sinh thêm trên đàn gia cầm tại địa phương.
Xin nhắc lại tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra trong năm 2008, chỉ trong thời gian 45 ngày đầu năm, dịch cúm gia cầm xuất hiện tại 5 hộ, 5 xóm thuộc 4 xã, phường của T.P Thái Nguyên và T.X Sông Công, với tổng số gia cầm ốm chết và tiêu huỷ hơn 5,7 nghìn con. Sau khi các ổ dịch được xử lý theo quy trình như phun thuốc khử trùng, khoanh vùng ổ dịch... dịch cúm gia cầm đã không lây lan, hoặc tái phát trở lại. Vậy nhưng, ngày 26/12/2008, cúm gia cầm lại xuất hiện tại 17 hộ ở xóm Tiến Bộ (Lương Sơn, T.P Thái Nguyên), với trên 3 nghìn con gia cầm phải tiêu huỷ. Cuối tháng Ba, đàn ngan hơn 300 con của 1 nông hộ ở xóm Hoà Bình (Tiên Phong, Phổ Yên) bị mắc cúm. Trong khi trước đó, huyện Phổ Yên cũng như các huyện, thị và thành phố đã chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh thực hiện tiêm phòng triệt để vác xin cúm trên đàn gia cầm. Nhưng, bệnh cúm vẫn xảy ra, khi truy tìm nguyên nhân, hầu như đều do người chăn nuôi đi mua con giống từ các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc... mang về, song do chủ quan, các hộ này đã không thông qua cơ quan Thú y để thực hiện các mẫu phẩm kiểm tra bệnh. Do vậy, trên đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi dù đã được thực hiện tiêm phòng đầy đủ, nhưng vẫn bị lây bệnh, gây thiệt hại tiền của cho chính gia đình mình.
Để hạn chế những thiệt hại không đáng có cho người chăn nuôi, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y đã khuyến cáo: Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng triệt để vác xin cúm gia cầm; chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng. Người chăn nuôi chỉ nên nhập giống gia cầm khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y và thực hiện nuôi cách ly khoảng 7 ngày trước khi cho nhập đàn...