Tấm lòng của bác sĩ Nhật Bản với bệnh nhân nghèo

10:41, 09/05/2009

Làm việc kiếm tiền tại Nhật Bản rồi sang Việt Nam làm từ thiện giúp đỡ những bệnh nhân nghèo mắc bệnh về mắt - đó là Bác sĩ T.Hattori đến từ đất nước Nhật Bản, đang thực hiện chương trình phẫu thuật thay thủy tinh thể miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Thái Nguyên (ngày 9 và 10-5). Hiện ông là Giám đốc điều hành Chương trình phòng chống mù lòa Đông Nam Á - Hiệp hội phòng chống mù lòa Châu Á - Thái Bình Dương (APBA). Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh hoạt động từ thiện này.

P.V: Ông có thể cho biết đôi điều về Tổ chức APBA?

Ông T.Hattori: Tổ chức APBA hoạt động ở Việt Nam từ năm 2003 với mục đích chữa bệnh cho những người có nguy cơ mắc mù và chuyển giao kỹ thuật mổ cắt dịch kính cho các y, bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương và các địa phương chúng tôi tham gia phẫu thuật từ thiện.

- Tổ chức APBA đã mang đến Việt Nam những gì, thưa ông?

- Các bác sĩ của APBA đã trực tiếp phẫu thuật các bệnh về mắt, tặng toàn bộ thủy tinh thể và các vật tư tiêu hao thay thế kèm theo cho những bệnh nhân nghèo. Chúng tôi mong muốn giúp đỡ được thật nhiều bệnh nhân nghèo mắc các bệnh về mắt vì họ không có điều kiện để phẫu thuật rất dễ mắc mù. Qua những đợt phẫu thuật, chúng tôi có dịp để trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh với các cơ sở y tế của Việt Nam, đặc biệt là những kỹ năng mới trong phẫu thuật các bệnh về mắt đã được áp dụng thành công tại Nhật Bản.

- Là bác sĩ trực tiếp mổ cho các bệnh nhân mắt của Việt Nam, ông có nhận xét gì?

- Đã mổ mắt cho khoảng 7 nghìn bệnh nhân ở Việt Nam, tôi thấy Việt Nam cũng như các nước châu Á là nước nông nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi khí hậu, môi trường nước, không khí… nên bệnh đục thủy tinh thể xuất hiện sớm, nếu không can thiệp kịp thời khả năng nhìn thấy ánh sáng trở lại là rất thấp.

- Được biết, đây là lần đầu tiên ông phẫu thuật mắt cho bệnh nhân nghèo ở Thái Nguyên, suy nghĩ của ông thế nào?

- Mặc dù đã phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân ở Việt Nam nhưng phẫu thuật tại Thái Nguyên tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, hợp tác của các y, bác sĩ khoa Mắt (Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên) vì đây là chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân nghèo. Các y, bác sĩ ở đây đã rất vất vả trong công tác chuẩn bị, mời bệnh nhân, khám sàng lọc… Ngoài 80 bệnh nhân được phẫu thuật miễn phí lần này, chúng tôi hy vọng có thể truyền đạt một số kinh nghiệm trong phẫu thuật về mắt cho các y, bác sĩ khoa Mắt của Bệnh viện, góp phần mang lại ánh sáng cho nhiều người nghèo.

- Ông có thể cho biết đôi điều về việc huy động kinh phí để APBA hoạt động?

- Kinh phí cho các ca mổ trong 7 năm qua ở đất nước các bạn là khoảng 500 nghìn USD. Đó là số tiền mà tôi và các bác sĩ trong APBA lao động tại Nhật Bản tiết kiệm được sau đó dùng để phẫu thuật mắt miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Với số tiền đó, chúng tôi có thể mua sắm nhà cửa, ô tô và đi du lịch… nhưng đó chỉ là hạnh phúc của một cá nhân, chúng tôi mong muốn mang hạnh phúc đến cho nhiều người bệnh vì điều quan trọng đối với một bác sĩ không phải là có kỹ thuật cao mà phải có tấm lòng và trái tim nhân hậu, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh để chia sẻ với họ, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho họ đó chính là niềm hạnh phúc của mình.

- Kế hoạch của APBA thời gian tới thế nào thưa ông?

- APBA có thể hoạt động và mang ánh sáng đến cho các bệnh nhân nghèo với Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung đến chừng nào chúng tôi còn sức khỏe có thể kiếm tiền bằng đôi tay của mình. Vì hiện nay kinh phí cho mọi hoạt động của APBA đều là của cá nhân. Chúng tôi mong muốn các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm sẽ chung tay với APBA để giúp đỡ nhiều hơn nữa cho bệnh nhân nghèo không may mắc bệnh về mắt.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!