Tiêu chí hợp lý nhưng khó thực hiện

16:01, 09/05/2009

Sau 3 năm triển khai thực hiện Hướng dẫn xây dựng các tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, gia đình và Trẻ em, theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình thì rất khó để các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt được 25 tiêu chí bắt buộc trên tổng số 28 tiêu chí được đưa ra. Đặc biệt là với tiêu chí về điểm vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn theo quy định (tiêu chí 5).

Phú Bình là huyện thuần nông, kinh tế chậm phát triển, do đó đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vì thế còn nhiều hạn chế. Theo Hướng dẫn của Bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em, để đạt được tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, xã, phường đó phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn với 28 tiêu chí cụ thể, trong đó có 25 tiêu chí bắt buộc phải thực hiện, trong số này, có nhiều tiêu chí để thực hiện được không phải chỉ cần ý chí, quyết tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân mà còn cần cả sự quan tâm của Nhà nước, cụ thể như xây dựng trụ sở trạm y tế, trường học đạt tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, với đặc thù là huyện thuần nông, hơn 80% dân số làm nông nghiệp, trình độ nhận thức về mọi mặt còn hạn chế nên việc thực hiện một số các tiêu chí khác gặp nhiều khó khăn.
Theo anh Phạm Minh Tân, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, phụ trách mảng chăm sóc- bảo vệ trẻ em cho biết: Với 21 xã, thị trấn, nhưng đến nay, chưa có đơn vị nào của huyện Phú Bình đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Huyện đang phấn đấu, hết năm 2009 sẽ có 7 đơn vị đạt và đến năm 2010, 80% xã, phường đáp ứng được các tiêu chí của Hướng dẫn. Anh Tân cũng không ngần ngại cho chúng tôi biết một số băn khoăn trong việc đánh giá các tiêu chí mà Hướng dẫn nêu ra, như: Thế nào được gọi là điểm vui chơi giải trí đủ tiêu chuẩn? Gia đình cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ (tiêu chí 10) bao gồm những vấn đề gì? Hay như, về vấn đề đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng phải sạch sẽ, đối với huyện thuần nông như Phú Bình sẽ rất khó thực hiện do việc chăn nuôi đại gia súc, gia cầm trên địa bàn khá lớn... Đến thời điểm này, huyện Phú Bình vẫn chưa có điểm vui chơi giải trí công cộng nên các trò chơi của trẻ thường mang tính tự phát. Đối với bậc mầm non, các cháu chỉ được tham gia các trò chơi ở lớp, còn ngoài giờ học thì tự chơi đồ chơi do cha mẹ sắm. Đáng lo ngại nhất là vào dịp nghỉ hè, cũng do không có địa điểm vui chơi, trong khi nếu tham gia sinh hoạt hè thì cũng chỉ từ 1, 2 buổi/tuần nên nhiều trẻ, nhất là trẻ trai đã tự hình thành thói quen tắm sông, tắm ao hoặc đi mò cua bắt ốc. Và hậu quả là, hàng chục trẻ đã bị chết đuối trong những năm gần đây. Với thang điểm được đưa ra là 100 điểm thì hầu hết các xã, thị trấn mới chỉ đạt được trên dưới 65 điểm. Theo kế hoạch, cuối năm 2009, sẽ có 7 xã, thị trấn đạt chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em và đến năm 2010, con số này sẽ nâng lên là 17. Tuy nhiên, nhiều khả năng, mục tiêu này sẽ khó thực hiện.

Anh Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn, đơn vị được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các tiêu chí của Hướng dẫn khái quát về một số khó khăn: Thị trấn có 19 tổ dân phố (TDP) nhưng mới có 14 TDP có nhà văn hoá đảm bảo diện tích để người dân tổ chức sinh hoạt, 4 TDP khác tận dụng nhà kho, HTX trước đây làm nhà văn hoá nên không đảm bảo diện tích và 1 TDP chưa có nhà văn hoá do không có diện tích xây dựng. Mặc dù nằm ở trung tâm huyện nhưng đến giờ, trên địa bàn thị trấn vẫn chưa có điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng nào. Phú Bình cũng chưa có nhà văn hoá huyện. Trong 3 bậc học, mới có bậc tiểu học đạt chuẩn quốc gia, còn trường mầm non và THCS đang phấn đấu đạt chuẩn trong năm học 2009-2010. Một khó khăn nữa là hiện nay, thị trấn Hương Sơn chưa có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia do không có diện tích để xây dựng. Hàng năm, kinh phí dành cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hầu như không có, trong khi đó, mỗi năm, huy động trong nhân dân dành cho công tác này chỉ đạt 3-4 triệu đồng. Mặc dù, thị trấn đăng ký đạt mục tiêu xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào cuối năm nay nhưng xem ra khó có thể thực hiện được mặc dù cả chính quyền và người dân đều rất mong muốn.

Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em là biện pháp hữu ích, thiết thực nhất để trẻ em có điều kiện để phát triển trí, lực. Đây cũng là vấn đề được Đảng, chính quyền các cấp dành nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế tại thị trấn Hương Sơn, thì việc xây dựng các xã, phường phù hợp với trẻ hiện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở vật chất: đường - trường - trạm. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần nâng cao ý thức trong việc giáo dục, tạo điều kiện để trẻ được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, được trau dồi kiến thức và phát triển một cách toàn diện, trở thành những chủ nhân mạnh về thể lực, khoẻ về trí tuệ của đất nước.