Để bảo đảm mục tiêu đô thị ngày một sạch hơn nhưng nguồn vốn ngân sách không phải đầu tư toàn phần, chính quyền T.P Thái Nguyên đã thực hiện chính sách xã hội hóa công tác môi trường đô thị trên địa bàn. Sau gần 4 năm triển khai, chương trình này đã đem lại một số kết quả khả quan…
Bình quân mỗi ngày, nhân dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên thải ra từ 120 đến 150 tấn rác và lượng rác này chủ yếu nằm trong các khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, trường học. Để việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn được triệt để, từ năm 2006, T.P Thái Nguyên đã thực hiện cơ chế: Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Đô thị đảm nhiệm việc vận chuyển rác từ các điểm tập kết, vận chuyển rác vào khu vực bãi rác Đá Mài - Tân Cương để xử lý. Việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình, vận chuyển tới điểm tập kết giao cho 26 Đội môi trường của các phường, xã thực hiện. Về kinh phí, T.P Thái Nguyên đầu tư nguồn vốn ngân sách trực tiếp Công ty TNHH Một thành viên và Môi trường đô thị thực hiện vận chuyển, xử lý rác. Các Đội môi trường được vay vốn ưu đãi để đầu tư trang bị chuyên môn, thu phí vệ sinh của các hộ gia đình nhưng phải thực hiện cơ chế tự hạch toán.
Thực hiện cơ chế này, bước đầu đã đem lại một số kết quả như: Giảm mức đầu tư của Nhà nước trong việc xử lý môi trường; nâng cao trách nhiệm của phường, xã trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; nguồn phí vệ sinh môi trường thu được tăng lên hàng năm (mỗi năm thu được khoảng 1,5 tỷ đồng)... Đặc biệt, một số Đội ở các phường trung tâm đã thực hiện thành công cơ chế tự hạch toán, nguồn phí thu được trong dân không chỉ đủ chi trả lương cho người lao động mà còn có tích lũy như: Đội môi trường phường Quang Trung, Đội môi trường phường Hoàng Văn Thụ, Đội môi trường phường Trung Vương.
Ông Nguyễn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Thái Nguyên khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này đã cho biết: Cán bộ, nhân viên của Công ty hiện có trên 400 người, song không thể làm trọn vẹn được các phần việc thuộc về môi trường đô thị, nhất là việc thu gom rác thải sinh hoạt trong các khu dân cư. Nhưng từ năm 2006, T.P Thái Nguyên thực hiện cơ chế xã hội hóa môi trường bằng cách yêu cầu 100% phường, xã thành lập Đội môi trường nhằm chủ động trong việc thu phí vệ sinh và trực tiếp thu gom rác thải trong các khu dân cư đã giảm bớt áp lực cho đơn vị. Giảm được phần việc này, chúng tôi có điều kiện về thời gian, kinh phí để tập trung giải quyết các vấn đề khác thuộc về lĩnh vực môi trường đô thị.
Những mặt tích cực trong công tác xã hội hóa môi trường đô thị ở T.P Thái Nguyên đã được khẳng định, song, qua hơn gần 4 năm triển khai cũng nảy sinh một số vấn đề như: Đối với các phường trung tâm hoặc những phường, xã được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền thì các Đội môi trường hoạt động hiệu quả. Ngược lại, cấp phường thiếu quan tâm, Ban quản lý Đội môi trường thiếu năng động thì vấn đề môi trường ở các khu dân cư không được giải quyết triệt để, Đội môi trường hoạt động hình thức; phương tiện đầu tư từ các dự án đã xuống cấp…
Anh Nguyễn Hồng Khải, Đội trưởng Đội môi trường phường Quang Trung, đơn vị thực hiện tốt nhất Thành phố về công tác này thông tin: Hiện chúng tôi có 20 người và 34 xe thu gom rác với mức thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nguồn thu được từ phí vệ sinh chúng tôi dành 75% để trả lương, 10% nộp lại ngân sách, 5% tái đầu tư, phần còn lại là các khoản chi khác.
Tại một số phường ngoại thành thì hoạt động của các Đội môi trường lại không được thuận lợi như ở phường Quang Trung mà gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đồng chí Nguyễn Văn Công, Chủ tịch phường Quang Vinh cho biết: Địa bàn phường rộng, dân cư lại chưa được tập trung nên việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Cùng đó là nguồn phí vệ sinh thu được thấp dẫn tới thu nhập của người lao động trong Đội môi trường không cao nên nhiều khi việc thu gom rác chưa được tốt.
Từ thực tế trên cho thấy việc xã hội hóa công tác môi trường ở T.P Thái Nguyên là cần thiết và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội nhưng nếu thực hiện chính sách giống nhau với tất cả các phường, xã trên địa bàn thì còn bất cập. Theo chúng tôi, để các Đội môi trường hoạt động ổn định thì ngoài việc cho vay vốn để đầu tư phương tiện, T.P Thái Nguyên cũng nên thực hiện hỗ trợ về kinh phí, phương tiện đối với các Đội mới thành lập, Đội hoạt động ở những vùng ven thị.