Bảo đảm an toàn lao động - cần duy trì ý thức tự giác

14:36, 28/07/2009

Thái Nguyên hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, đang sử dụng trên 60 nghìn lao động. Trong đó có một số ngành nghề, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao như: Khai thác khoáng sản; sản xuất gang, thép; sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng công trình...

 

Để giảm thiểu tai nạn lao động trong quá trình sản xuất, từ năm 2008 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tích cực tuyên truyền các văn bản quy định của Nhà nước về an toàn lao động tới người sử dụng lao động, người lao động. Cùng với đó là tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và cấp chứng chỉ về an toàn lao động cho chủ doanh nghiệp, cán bộ phụ trách công tác an toàn của các công ty, doanh nghiệp đã qua các lớp tập huấn. Đồng thời, lực lượng thanh tra lao động đã trực tiếp hoặc phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ về công tác an toàn lao động để kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao nghiêm trọng gây thương tích cho người lao động, thậm chí chết người và thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự thiếu ý thức của người sử dụng lao động và cả người lao động. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập tới vấn đề ý thức tự giác của người lao động trong việc chấp hành các quy định về an toàn lao động khi sản xuất.

 

Thời gian qua, chúng tôi đã đi thực tế tại một số công trường đang thi công xây dựng, một số hầm mỏ đang khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tại công trường xây dựng nhà điều hành của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, một số công nhân không mang đồ dùng bảo hộ lao động như: mũ bảo hộ, gang tay và các đồ dùng bảo hộ theo quy định khác. Khi được hỏi, một người lao động tên là Cường đã trả lời: “Em quê ở Phú Bình, theo các bác thợ xây lên công trình phụ việc mới được vài ngày nên chưa được cấp phát đồ dùng bảo hộ lao động". Thực tế cho thấy tình trạng người lao động vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không sử dụng đồ dùng bảo hộ lao động ở các công trình xây dựng trên địa bàn T.P Thái Nguyên và các huyện, thị khác đã, đang khá phổ biến, nhất là ở các công trình xây dựng có quy mô lớn và cao tầng. Ngay tại hầm mỏ khai thác khoáng sản, xưởng sản xuất của một số công ty lớn, việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn lao động của người lao động cũng chưa được thực hiện nghiêm túc cho dù lãnh đạo các đơn vị này đã trang bị đồ dùng bảo hộ lao động. Ông Nguyễn Quang Thuyết, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (Khu công nghiệp Sông Công) khi được hỏi về vấn đề này đã cho biết: “Chúng tôi đầu tư mỗi năm hàng tỷ đồng cho công tác bảo hộ lao động nên đồ dùng bảo hộ lao động, thiết bị an toàn lao động được trang bị thường xuyên cho các bộ phận trực tiếp sản xuất. Để đảm bảo an toàn, đơn vị còn có quy định khi người lao động của Nhà máy đang trong giờ sản xuất mà không thực hiện các quy định về an toàn lao động thì sẽ bị xử lý như trừ thi đua, vi phạm nhiều lần và có mức độ nguy hiểm sẽ bị đình chỉ công việc. Tuy vậy, ở đơn vị chúng tôi đôi khi vẫn có trường hợp người lao động vi phạm về an toàn lao động trong sản xuất”.

 

Thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an toàn lao động không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các đơn vị phát triển mà còn bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Vì vậy, khi người lao động sản xuất trong môi trường có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cần phải chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn lao động. Khi chủ sử dụng lao động không hoặc chưa cấp phát đầy đủ đồ dùng bảo hộ lao động, thiết bị đảm bảo an toàn lao động thì người lao động cần có ý kiến với tổ chức công đoàn cơ sở hoặc các cơ quan chức năng liên quan để được giải quyết nhằm bảo vệ sự an toàn cho bản thân. Qua đó cũng góp phần chung vào sự phát triển của doanh nghiệp, đơn vị…