Bảo vệ rừng "gần lửa" không sợ "rát mặt"

08:48, 20/07/2009

Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ khai thác, vận chuyển, thu mua lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh (chủ yếu tại hai huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ) đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý. Điều đáng nói là các vụ vi phạm Lâm luật nêu trên đều do người dân địa phương tố giác và trực tiếp lãnh đạo tỉnh, huyện chỉ huy lực lượng ngăn chặn, giải quyết kịp thời…

 

Không ít lần chúng tôi được chứng kiến đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Viết Thuần trực tiếp cùng lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương phục bắt lâm tặc. Thời gian gần đây, một đường dây nóng với nhiều địa chỉ cùng nguồn tin đáng tin cậy đã được thiết lập với các số máy điện thoại của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo ngành Kiểm lâm. Khi nhận được tin báo chính xác, bất kể thời điểm nào, đồng chí đều cùng lực lượng chức năng tổ chức vây bắt hoặc chỉ huy từ xa nếu đang đi công tác. Với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, thường thì đồng chí trực tiếp có mặt cùng xử lý với anh em.

 

Trường hợp gần đây nhất là vào khoảng 4 giờ sáng ngày 17/7/2009, sau khi nhận được tin báo của nhân dân, đồng chí đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện Võ Nhai (mà nòng cốt là lực lượng Kiểm lâm) kiểm tra tại hai địa điểm ở xóm Cây Bòng, xã La Hiên. Qua kiểm tra đã tạm giữ được hơn 5m3 gỗ nghiến có dấu hiệu tàng trữ trái phép tại Doanh nghiệp chế biến lâm sản Lan Thái (do bà Nông Thị Loan làm chủ doanh nghiệp) và 0,168m3 gỗ nghiến (cũng có dấu hiệu tàng trữ trái phép) tại gia đình bà Lâm Thị Khon. Nhìn tận mắt đống gỗ nghiến khá lớn được đưa về tạm giữ trong kho của Hạt Kiểm lâm huyện để chờ xử lý, chúng tôi không khỏi xót xa: Để có đống gỗ này, nhiều cây gỗ nghiến trên núi cao đã bị lâm tặc chặt hạ không thương tiếc. Đặc biệt trong đống gỗ có 2 tấm phản nghiến dày hơn 10cm, rộng hơn 80cm và dài trên 3m. Một cán bộ của Hạt Kiểm lâm Võ Nhai nhận xét: Cây nghiến to xẻ được những tấm phản như thế này đã thuộc loại cực hiếm trên địa bàn… Qua vụ việc trên cũng cho thấy hiệu quả của sự phối hợp kịp thời, đồng bộ, xử lý "mạnh tay", kiên quyết của đội ngũ cán bộ các cơ quan chức năng từ tỉnh tới huyện, xã. Nếu chúng ta luôn phát huy được yếu tố này thì chắc chắn công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Viết Thuần đã rất thẳng thắn: Bảo vệ rừng, ngoài sự chuyển biến về nhận thức của người dân thì rất cần sự sâu sát, có trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở, đặc biệt là của người lãnh đạo địa phương đó. Cần nhất là người lãnh đạo phải dám "gần lửa" mà không sợ "rát mặt". Ngoài ra còn cần sự đồng thuận từ trên xuống dưới. Nếu chỉ có cấp tỉnh sâu sát thì chưa đủ mà còn cần sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã và cả các thôn, bản.

 

Sau khi có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, thời gian qua cấp chính quyền cơ sở cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trường hợp của ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ là một ví dụ. Ông là người đã trực tiếp chỉ huy bắt nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn. Gần đây nhất là vào tối 7-7, sau khi nhận được tin báo có hai xe vận chuyển gỗ vượt Quốc lộ 1B qua địa bàn huyện, ông Thắng bỏ dở bát cơm, mặc vội quần áo, lên đường. Một mặt ông điều động ngay lực lượng Kiểm lâm huyện tổ chức vây bắt, mặt khác ông tự mình cùng lái xe của huyện đi trước đón đầu. Khoảng 9 giờ tối thì bắt được đối tượng vận chuyển gỗ lậu cùng tang vật. Được biết đây là lần thứ 4 trong 3 tuần liên tiếp ông Thắng trực tiếp tham gia cùng lực lượng chức năng vây bắt lâm tặc. Ông cho biết: Nhiều năm nay, việc phối hợp xử lý vi phạm Lâm luật của các xã còn rất hạn chế, nhất là lãnh đạo xã. Bởi vậy, khi lãnh đạo huyện trực tiếp điều hành thì tự khắc các xã phải chủ động vào cuộc. Bản thân tôi lúc nào cũng sẵn sàng có mặt ở những điểm "nóng" nhất.

 

Còn đối với Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, ông Nông Xuân Bắc thì gần như cuộc vây bắt lâm tặc hoặc xử lý các vụ việc có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng nào ở huyện ông cũng tham gia trực tiếp hoặc chỉ huy từ xa. Tôi cũng là người được tiếp xúc, làm việc và đi thực tế với ông nhiều lần nên cũng hiểu được phần nào khả năng chỉ đạo, điều hành đầy trách nhiệm của ông. Là địa bàn trọng điểm về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép nên những vụ vây bắt lâm tặc, xử lý cháy rừng tại huyện Võ Nhai thường xuyên diễn ra. Ông Bắc kể: Khoảng cuối năm 2008, tôi nhận được tin báo hơn 5ha rừng núi đá tại xã Thần Sa bị bốc cháy. Ngay lập tức, tôi và các đồng chí lãnh đạo huyện có mặt tại hiện trường, tổ chức lực lượng bao vây, khống chế không cho lửa lan rộng thêm. Lần đó cũng rất may là có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương nếu không thì hậu quả thật khó lường. Lần khác, vào đầu năm 2009, cũng lại một vụ cháy rừng quy mô lớn xảy ra tại xã Liên Minh. Sau khi có tin báo, tôi đã đi kiểm tra và chỉ đạo lực lượng chức năng sớm điều tra làm rõ vụ đốt rừng có chủ mưu trên, xử lý nghiêm để làm gương.

 

Một thực tế hiện nay là đã có sự vào cuộc thực sự của lãnh đạo tỉnh, chính quyền cấp huyện, nhưng phần lớn lãnh đạo cấp xã còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm, nhất là với các xã vùng cao của huyện Võ Nhai. Nói về vấn đề này, ông Nông Xuân Bắc bộc bạch: Phải nói thật, vẫn còn sự nể nang, ngại va chạm và bao che cho các đối tượng phá rừng của một số lãnh đạo cấp xã. Hơn nữa, nhận thức về trách nhiệm chủ rừng của chính quyền cơ sở còn chưa thật sự đầy đủ. Rừng bị phá ngay tại xã mình nhưng lại cho rằng trách nhiệm thuộc về lực lượng Kiểm lâm…

 

Có câu thành ngữ "gần lửa rát mặt". Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng trong trường hợp cuộc chiến bảo vệ rừng đang ngày một cam go, ác liệt như hiện nay thì rất cần những người lãnh đạo, người đứng mũi chịu sào ở địa phương dám "gần lửa" thậm chí "xông vào lửa" mà không sợ "rát mặt" hay sợ bỏng. Bởi chỉ có vậy mới mong có sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một tỉnh còn tới hàng chục nghìn héc-ta rừng như Thái Nguyên.

 

 

Theo  thống kê của Chi cục Kiểm lâm, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2009 này, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý  616 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2008); tịch thu gần 580m3 gỗ quy tròn các loại (giảm 41,8%) và 182 phương tiện vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2,5 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng qua, tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh ta đang có chiều hướng phức tạp với các hình thức, hành vi rất nguy hiểm và liều lĩnh (tổng cộng đã xảy ra 4 vụ). Từ thực trạng này cho thấy "cuộc chiến" giữ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay đang hết sức cam go, quyết liệt, và trách nhiệm không thể thuộc về riêng ngành Kiểm lâm…