Cảnh giác mỳ chính giả

17:24, 03/07/2009

Việc sử dụng những loại gia vị như bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng

 

Năm 2008, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện 2 vụ nhập lậu mỳ chính loại 25kg/bao, tịch thu 2.625kg. Kiểm tra trên thị trường, lực lượng Quản lý thị trường còn phát hiện, tịch thu 125kg mỳ chính Ajinomoto được đóng gói trong bao bì nhập lậu và tịch thu 363kg vỏ bao mỳ chính Ajinomoto nhập lậu từ Trung Quốc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra ráo riết, nhưng loại mỳ chính này đến nay vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Tràn lan mỳ chính không rõ xuất xứ

 

Sáng 21/4/2009, đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã đột xuất kiểm tra một số cửa hàng buôn bán mỳ chính tại phố Đào Duy Từ. Tại đây bày bán rất nhiều gói mỳ chính trọng lượng 0,5kg/gói không nhãn mác. Ngày 14/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ CATP Hà Nội khám xét tụ điểm hàng giả ở xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã phát hiện 147 gói mỳ chính mang nhãn hiệu Ajinomoto, hàng chục kg vỏ túi nilon, 127kg mỳ chính của Trung Quốc.

 

Ngày 10/6, Đội 2.1 Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 1 - Chi Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang một xe ô tô tải đang vận chuyển khối lượng lớn mỳ chính không có nguồn gốc xuất xứ theo hướng từ Quảng Ninh về Hà Nội, trên xe có 440 bao tải mỳ chính (bao loại 25kg) do Trung Quốc sản xuất, tổng trọng lượng khoảng 11 tấn.

 

Lợi nhuận cao

 

Giá trung bình một bao mỳ chính Trung Quốc loại 25kg mua tại Hà Khẩu gần 600.000 đồng. Khi về đến Hà Nội, mỳ chính Trung Quốc được xé lẻ, đóng túi với giá 40.000 đồng/kg, tương đương 1 triệu đồng/bao 25kg. Lãi suất gần gấp đôi như vậy nên tình trạng mỳ chính Trung Quốc nhập lậu ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam không có gì lạ.

 

Khi cơ quan chức năng kiểm tra ráo riết, các đối tượng đối phó bằng cách không vận chuyển bao lớn mà đóng vào các túi nhỏ mang nhãn hiệu Ajinomoto, Vedan… nhìn bề ngoài khó phân biệt. Khi vào thị trường nội địa, việc kiểm tra, xử lý mỳ chính Trung Quốc nhập lậu gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng hóa đơn nhập khẩu mỳ chính chính ngạch quay vòng để hợp pháp hóa, trong khi mỳ chính không phải là mặt hàng cấm.

 

Điều nguy hiểm là do lợi nhuận, đã hình thành những "làng nghề" chuyên sản xuất mỳ chính giả, bột canh giả tại Hà Nội như Thanh Oai, Gia Lâm... Khi lực lượng chức năng "đánh" mạnh, các đối tượng sản xuất hàng giả chuyển sang các khu vực lân cận tiếp tục hoạt động.

 

Hãy là người tiêu dùng hiểu biết

 

Theo TS. Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - các gói mỳ chính không nhãn mác được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay được san từ các bao 25kg/bao sang các gói có trọng lượng nhỏ trộn thêm muối, đường trong điều kiện thủ công không đảm bảo ATVSTP. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng xấu tới lợi ích của các nhà sản xuất trong nước và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

 

Hiện chưa có cơ quan chức năng nào giám định về độc tố có trong mỳ chính Trung Quốc nhập lậu, nhưng theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), việc sử dụng những loại gia vị như bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trường hợp nhẹ gây ra ngộ độc cấp tính với biểu hiện đau đầu, chóng mặt. Còn về lâu dài, các chất độc tích tụ trong cơ thể gây ra những chứng bệnh nan y như ung thư.