Nhiều hoạt động giúp đỡ phụ nữ nông thôn

08:40, 07/07/2009

Phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ ở những xã vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cuộc sống còn nghèo khó. Các cấp Hội Phụ nữ đã thực sự trở thành cầu nối để hỗ trợ hội viên về mọi mặt, giúp phụ nữ dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm từng bước thoát nghèo.

 

Trong kế hoạch hoạt động của Hội LHPN huyện Võ Nhai, chúng tôi thấy dày đặc những chương trình, lớp tập huấn, mô hình… để giúp đỡ phụ nữ nông thôn. Chị Hà Thị Bào, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghinh Tường cho biết: Xã cách trung tâm huyện gần 60km đường rất khó đi, những ngày mưa nước suối lên cao thì không thể đi được. Mặc dù vậy, các hội viên phụ nữ của xã cũng đã được tiếp cận với những cây, con mới mang lại giá trị kinh tế hiệu quả cao. Dựa trên điều kiện thực tế là xã có nhiều diện tích đồi rừng, phù hợp với trồng chè nên Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn về trồng chè với 60 hội viên tham gia và hỗ trợ 700 cây giống/sào. Đến nay, các hội viên đã đưa vào canh tác trên 3 vạn cây chè. Lớp tập huấn chăn nuôi lợn nái cho 30 hội viên và hỗ trợ 1 con lợn nái để các hội viên làm vốn cũng tạo điều kiện để phụ nữ nghèo tham gia. Lớp tập huấn chăn nuôi trâu bò thịt, trâu bò sinh sản cũng đã được triển khai tại đây và được các hội viên tích cực hưởng ứng. Đến nay, xã đã có hàng nghìn con trâu, bò, riêng xóm Thương Lương có 600 con… Bên cạnh đó, các hội viên còn được vay vốn để phát triển kinh tế từ nhiều nguồn ưu đãi của các ngân hàng, quỹ hội… Mặc dù vậy, số hộ nghèo của xã vẫn cao, hiện còn 232 hộ nghèo trong tổng số 561 hộ dân. 

 

Các hội viên phụ nữ ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng cũng vừa được triển khai mô hình khảo nghiệm giống ngô LVN61 của Viện nghiên cứu ngô Trung ương. Sau khi khảo nghiệm đã được đánh giá là giống ngô sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện vụ xuân trên đất soi bãi và đất ruộng; là giống có tiềm năng, năng suất tốt, nhiều ưu thế hơn giống CP888 đang được phổ biến ở địa phương. Năng suất đạt 276kg/sào, cao hơn so với giống CP888 đạt 239kg/sào.

 

Với các hội viên phụ nữ ở xã Tràng Xá bên cạnh việc giúp đỡ các hội viên về giống, vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, Hội Phụ nữ huyện còn triển khai mô hình làm phân vi sinh tại xóm Làng Đèn với 20 hộ dân tham gia, đến nay các hội viên phụ nữ của 17 xóm trong xã đã biết ủ phân vi sinh để phục vụ sản xuất nông nghiệp và không gây ô nhiễm môi trường. Chị Nguyễn Thị Huyền, xóm Làng Đèn cho biết: Chỉ mất vài chục nghìn để mua chế phẩm chúng tôi có thể ủ được vài tạ phân vi sinh. Ưu điểm của loại phân này là góp phần cải tạo đất và rất tốt cho cây trồng, nhất là những vùng đất đồi núi bạc mầu. Bên cạnh đó, việc ủ phân vi sinh tận dụng được những sản phẩm phụ từ sản xuất nông nghiệp, cây cỏ dại…  điều đó rất có lợi cho môi trường. Ngoài ra, các hội viên phụ nữ ở xóm Đồng Mỏ, còn được hướng dẫn xây dựng bếp đun cải tiến thân thiện với môi trường; làm công trình vệ sinh khép kín, đảm bảo hợp vệ sinh…

 

Còn rất nhiều các chương trình khác mà Hội Phụ nữ đã và đang thực hiện để giúp đỡ hội viên phụ nữ nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Hội Phụ nữ huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai và cho vay 7 nguồn vốn với tổng số tiền trên 26 tỷ đồng cho 3.291 hội viên vay. Phối hợp với Công ty phân bón Thái Nguyên, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện cung ứng 325 tấn phân bón trả chậm cho hội viên. Phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện, Trạm Khuyến nông tổ chức 25 lớp tập huấn và dạy nghề ngắn hạn cho 607 hội viên phụ nữ; giúp đỡ trên 50 lượt chị em phụ nữ nghèo với số tiền gần 7 triệu đồng; gần 2 nghìn ngày công; 150kg cây giống; 1.800kg thức ăn, 68 con lợn…

 

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Nhu cầu hỗ trợ của hội viên phụ nữ nông thôn rất nhiều, tuy nhiên Hội Phụ nữ huyện không thể hỗ trợ một  đầy đủ cho tất cả các chi hội ở cơ sở. Căn cứ nhu cầu và điều kiện của từng chi hội, chúng tôi có kế hoạch giúp đỡ đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện như: chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, ngộ độc thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống lao, HIV… Ngoài ra, còn vận động các hội viên đóng góp để giúp đỡ những hội viên phụ nữ nghèo xoá nhà dột nát. Từ đầu năm đến nay đã xóa được 3 nhà và hiện nay vẫn còn khoảng 100 nhà dột nát do hội viên phụ nữ làm chủ hộ. Bên cạnh đó, việc triển khai các nội dung hoạt động của tổ chức Hội đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tạo điều kiện, cơ hội cho chị em vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo…