Những bước chân không mỏi

07:48, 10/07/2009

Chiều 9/7, tại Hà Nội, Bộ Y Tế tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ dân số - kế hoạch hoá gia đình cơ sở tiêu biểu quốc năm 2009.

 

Hơn 400 cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 11.000 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã và gần 154.000 cộng tác viên DS-KHHGĐ ở thôn, xóm, ấp, bản làng trên cả nước đã tham dự.

 

Đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ được hình thành từ năm 1993, đến nay đã từng bước kiện toàn và củng cố trên phạm vi cả nước. Mỗi xã có 01 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ và trung bình có 14 cộng tác viên. Họ là những người bám sát dân, ngày đêm trực tiếp tham gia tuyên truyền vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, là mắt xích cuối cùng và quan trọng của bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.

 

Hạt nhân từ cơ sở

 

Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở, cán bộ chuyên trách là hạt nhân tham mưu phối hợp với cấp xã xây dựng các phong trào, mô hình mà đến nay đã mang lại kết quả thiết thực và đáng khích lệ như: nâng cao chất lượng dân số ở cộng đồng, CLB gia đình trẻ, mô hình phụ nữ không sinh con thứ ba, mô hình CLB dân số và phát triển, gia đình nông dân 6 chuẩn mực, mô hình truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ.

 

Trong số những cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ tiêu biểu toàn quốc nổi lên tấm gương chị Nguyễn Thị Thắm (xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương). 16 năm làm công tác, chị đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp Đảng và chính quyền địa phương về xây dựng chương trình hành động của Đảng bộ về công tác DS-KHHGĐ; tham mưu xây dựng chỉ tiêu DS-KHHGĐ cho các thôn, khu dân cư.

 

Hằng năm, chị tổ chức truyền thông dân số từ 10 đến 12 buổi thu hút gần 1.300 người tham dự hàng năm. Chị Thắm còn phối hợp với hội phụ nữ xã thành lập năm câu lạc bộ DS-KHHH gia đình ở năm thôn với sự tham gia của 560 thành viên, đối tượng là những cặp vợ chồng mới kết hôn, cặp vợ chồng đăng ký không sinh con thứ ba.

 

Chị Thắm chia sẻ kinh nghiệm: “Chủ nhiệm câu lạc bộ bao giờ cũng là nam giới bởi nam giới nhập cuộc sẽ tuyên truyền với nam giới được sâu rộng, có hiệu quả hơn. Nhờ đó, 10 năm nay, các câu lạc bộ ở xã Liên Mạc vẫn duy trì hoạt động có hiệu quả". Với uy tín nghề nghiệp, và sự gương mẫu của bản thân, chị Thắm đã vận động được 45 ca đình sản, hàng trăm trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai.

 

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

 

Trong Hội nghị biểu dương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phát biểu: “Để đạt được mục tiêu về DS-KHHGĐ, không thể không nói đến công lao đóng góp to lớn của đội ngũ cộng tác viên tại thôn, xóm, ấp, bản, làng. Họ là những người gần dân nhất, tình nguyện làm công tác xã hội, luôn có tinh thần trách nhiệm cao “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền vận động nhân dân.

 

Với phương châm ấy, suốt 15 năm làm cộng tác viên dân số- KHHGĐ ở ấp Hóa Thành, xã Đông Thành huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), chị Sơn Thị Can, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đã kiên trì vận động nhiều phụ nữ Khmer thực hiện tốt chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình.

 

Gia đình chị trước đây kinh tế nghèo nàn, năm 1992, sau khi sinh đứa con thứ tư, chị bàn với chồng thực hiện KHHGĐ và tự nguyện tham gia làm công tác viên dân số. Mỗi lần đi vận động bà con, chị luôn lấy tấm gương của mình ra để thuyết phục bà con không để vướng vào vòng đông con vất vả như gia đình mình.

 

Trong quá trình công tác, chị Can gặp nhiều khó khăn do nhận thức về KHHGĐ của bà con Khmer còn hạn chế. Nhiều bà con né tránh, không tiếp chuyện, thậm chí còn chê trách, nói xấu cộng tác viên dân số. Không nản chí, chị kiên trì, bền bỉ tiếp cận các hộ có “nguy cơ” sinh con từ thứ 3 trở lên để phân tích, vận động. Chị tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng người, từ đó có phương pháp, cách thức vận động thích hợp.

 

Trong nhiều năm làm công tác, chị Can đã vận động được 50 ca triệt sản (trong đó có 14 ca triệt sản nam) và nhiều trường hợp chấp nhận thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại khác. Giờ đây, ấp Hóa Thành giảm hẳn tình trạng gia đình đông con, nhiều hộ đã vươn lên vượt khó, thoát nghèo, con em đồng bào Khmer trong ấp được chăm sóc, nuôi dạy chu đáo, học tập giỏi.

 

Đến phường Tân Phú, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) hỏi bà Oanh “kế hoạch hoá gia đình”, ai cũng biết tiếng bởi sự nhiệt tình, gần gũi với công việc của bà.

 

Với hơn 10 năm làm CTV, bà Oanh thuộc từng hoàn cảnh gia đình. Gặp chúng tôi, bà Oanh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm: "Ban đầu, tôi đến tận từng gia đình khảo sát nắm vững các đối tượng trong diện sinh đẻ để biết hoàn cảnh từng người, nắm vững tâm tư nguyện vọng của họ".

 

Bà kể: "Có hộ đi làm ăn ở nơi xa phải đến năm bảy lần mà không gặp, có những bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi cháu bé được năm tuổi tôi vẫn thường xuyên lui tới, khoảng 40-50 lần vì hằng tháng tôi cân các bà mẹ và theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi để tư vấn ăn uống dinh dưỡng. Khi bé ra đời, theo dõi tăng trưởng của bé để báo cáo cho cán bộ chuyên trách có hướng xử lý kịp thời đối với những trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương".

 

Để quản lý tốt, bà Oanh vẽ sơ đồ, khu vực đánh dấu từng hộ. Hộ nào sinh con một bề bà có ký hiệu riêng, thường xuyên sát sao vận động hơn các hộ khác. Nhiều trường hợp từ chối không chịu đặt vòng hoặc có ý định sinh con thứ ba, bà Oanh không những thường xuyên tiếp cận mà phải nhờ đến sự can thiệp, giúp đỡ của các cấp chính quyền, hội phụ nữ can thiệp. Nhiều trường hợp đã từ bỏ ý định sinh thêm con. 10 năm làm công tác dân số, chín năm phường Tân Phú do bà Oanh đảm trách không có trường hợp sinh con thứ ba. Bà vận động được sáu người triệt sản và hàng trăm người sử dụng các biện pháp tránh thai.

 

Thời gian tới, những cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã chưa đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, đã tốt nghiệp phổ thông sẽ được đào tạo đủ chuẩn để tuyển dụng. Trong thời gian đó, cán bộ vẫn được hưởng chế độ phụ cấp và kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ theo quy định hiện hành. Những cán bộ lâu năm không đủ điều kiện tuyển dụng vào viên chức sẽ được nghỉ và hưởng chính sách đặc thù.

 

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không ít cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở dao động tâm tư do chế độ chính sách đối với họ còn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Việc ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp diễn ra chậm, cùng với hiểu sai từ “giải thể” đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên lầm tưởng Đảng và Nhà Nước không còn quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ. Trong khi đó, người dân lại hiểu rằng họ được “đẻ thoải mái”, làm cho công tác DS-KHHGĐ ở một số địa phương bị đình trệ, gián đoạn, là một nguyên nhân dẫn đến việc không hoàn thành chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ hai năm 2007, 2008 mà Quốc hội đã giao.