Phát động cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma tuý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý về lĩnh vực cai nghiện phục hồi.

10:06, 28/07/2009

Hưởng ứng cuộc thi do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát động, ngày 22/6/ 2009 UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1426/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống ma tuý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý.

 

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở các xã, phường, thị trấn; cán bộ chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tệ nạn ma tuý; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan trong công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý. Ngày 9/4/2009 Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định số 459/QĐ-LĐTBXH về việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống ma tuý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý về lĩnh vực cai nghiện phục hồi trên phạm vi cả nước.

 

Ban Tổ chức cuộc thi đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch số 129/KH-BTC ngày 24/6/2009 về việc triển khai cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống ma tuý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý về lĩnh vực cai nghiện phục hồi và phát động cuộc thi tới UBND các huyện, thành phố, thị xã;  cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở các xã, phường, thị trấn; cán bộ chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Đấu tranh chống lại hiểm hoạ ma tuý là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và vô cùng gian khổ nên đòi hỏi chúng ta phải xác định rõ đối tượng đấu tranh, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân trong trách nhiệm tập thể, tổ chức để thể hiện quyết tâm và sự cố gắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác lại phải thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm với người thân, gia đình và của người đã một thời lầm lỡ sử dụng thuốc gây nghiện để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, cai nghiện thành công và trở lại cuộc sống hoà nhập cộng đồng lấy lại được niềm tin trong cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

 

Ban Tổ chức cuộc thi mong muốn nhận được nhiều bài tham gia dự thi, nhiều bài đạt chất lượng cao, góp phần cho cuộc thi đạt kết quả tốt đẹp. Đó chính là những đóng góp tích cực của mỗi chúng ta trong cuộc đấu tranh phòng chống ma tuý, tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.             

I. THỂ LỆ CUỘC THI

1. Đối tượng dự thi

 

- Cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và các Trung tâm Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội của tỉnh, huyện, thành;

 

- Cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Cán bộ chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

 

- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị (không thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội) đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tham gia dự thi tại  nơi cư trú và nộp bài dự thi theo đơn vị xã, phường, thị trấn.

 

2. Bài dự thi

 

Bài hợp lệ:

 

- Bài dự thi được viết tay hoặc đánh máy bằng tiếng việt, không được sao chụp.

 

- Bài dự thi phải trả lời đầy đủ 10 câu hỏi

 

- Phía trên bài dự thi phải ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, dân tộc, địa chỉ (nơi ở, nơi học tập hoặc nơi công tác).

 

- Bài dự thi phải được đánh số trang theo thứ tự, đóng thành tập và gửi đúng thời gian quy định.

 

Bài không hợp lệ

 

Là bài thi không thực hiện đúng các yêu cầu trên.

 

3. Tổ chức cuộc thi

 

- Từ ngày 10/06/2009 đến ngày 30/10/2009.

 

- Dự kiến chia thành 10 đầu mối triển khai cuộc thi bao gồm: 9 đơn vị huyện, thành phố, thị xã và Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội..

 

+ Các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm triển khai theo địa bàn các đơn vị hành chính quản lý và các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội thuộc huyện quản lý.

 

+ Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội có trách nhiệm triển khai đến toàn bộ cán bộ công chức thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

 4. Nhận bài thi và chấm thi

 

4.1 Nhận bài thi

 

- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai cuộc thi, thành lập tổ tiếp nhận bài thi, đôn đốc các cơ sở trực thuộc nộp bài thi, tổng hợp báo cáo và gửi bài dự thi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội) trước ngày 20/9/2009.

 

- Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội có trách nhiệm nhận và tổng hợp các bài dự thi theo khu vực đã được phân công xong trước ngày 20/9/2009.

 

- Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tổng hợp và bàn giao bài dự thi cho Ban giám khảo.

 

4.2. Chấm thi: Ban giám khảo tổ chức chấm thi

- Thời gian tổ chức chấm thi từ ngày 10/10/2009 đến 20/10/2009

 

5. Tổng kết.

- Lễ tổng kết trao giải: Tháng 11 năm 2009

 

II. GIẢI THƯỞNG

Tổng số 31 giải. Tổng trị giá: 7.400.000 đồng

 

a. Giải cá nhân: gồm 20 giải lấy điểm từ cao xuống thấp. Trị giá: 3.800.000 đồng. Trong đó:

 

- 01 giải Nhất cho cá nhân có bài dự thi xuất sắc nhất. Trị giá 500.000 đồng

 

- 02 giải Nhì, mỗi giải trị giá 300.000 đồng. Tổng trị giá: 600.000 đồng

 

- 03 giải Ba, mỗi giải trị giá 200.000 đồng. Tổng trị giá: 600.000 đồng

- 14 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 150.000 đồng. Tổng trị giá: 2.100.000 đồng.

 

b. Giải tập thể: gồm 11 giải. Tổng trị giá: 3.600.000 đồng

 

- 01 giải A cho các đơn vị có số lượng bài dự thi hợp lệ và có nhiều bài đạt được giải. Trị giá: 1.000.000 đồng

 

- 02 giải B, mỗi giải trị giá 500.000 đồng. Tổng trị giá: 1.000.000 đồng

 

- 08 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 200.000 đồng. Tổng trị giá: 1.600.000 đồng

 

                                                   CÂU HỎI

 

Câu1:  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý  được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII thông qua ngày, tháng, năm nào? Bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày, tháng, năm nào?

 

Câu 2: Luật Phòng, chống ma tuý quy định những hành vi nghiêm cấm nào?

 

 Câu 3: Luật Phòng, chống ma tuý quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống ma tuý như thế nào?

 

Câu 4: Luật Phòng, chống ma tuý quy định thế nào là người nghiện ma tuý?

 

Câu 5: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý quy định chính sách của Nhà nước về cai nghiện như thế nào?

 

Câu 6: Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống ma tuý quy định những đối tượng nào được cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng? Thời gian cai nghiện là bao lâu? Cơ quan tổ chức nào chịu trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng?

 

Câu 7: Luật Phòng, chống ma tuý quy định những đối tượng nào bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc? Thời gian cai nghiện là bao lâu? Trong thời gian cai nghiện bắt buộc người nghiện có trách nhiệm gì? Người nghiện ma tuý có thể tự xin vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để cai nghiện tự nguyện được không?

 

Câu 8: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, người nghiện được đưa vào những hình thức quản lý sau cai nào? Đối tượng nào được đưa vào quản lý sau cai tại cơ sở quản lý?

 

Câu 9: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống ma tuý Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có người nghiện ma tuý có trách nhiệm gì trong công tác cai nghiện này?

 

Câu 10: Bạn hãy viết một bài khoảng .000 đến 1.500 từ về một trong bốn nội dung dưới đây:

 

- Ma tuý và tác hại của nghiện ma tuý.

 

- Đề xuất một số biện pháp để giảm tỷ lệ tái nghiện.

 

- Một tấm gương đã cai nghiện ma tuý thành công và đã có nhiều việc làm có ích cho xã hội.

 

- Một tập thể hoặc cá nhân điển hình có nhiều thành tích trong công tác phòng chống ma tuý hoặc giúp đỡ người nghiện cai nghiện thành công.