Thấy gì qua hoạt động của mạng lưới cung ứng hàng chính sách?

08:30, 02/07/2009

Trong vòng 10 năm qua (1998-2008),  Thái Nguyên đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để trợ giá, trợ cước một số mặt hàng chính sách như giống cây lương thực, phân bón các loại... Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra kết quả thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước ở một số địa phương của Ban Dân tộc tỉnh vừa qua, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều điều đáng bàn về mạng lưới cung ứng các mặt hàng chính sách…

 

Theo Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 9-6-2009 của UBND tỉnh về việc phân bổ bổ sung kế hoạch mặt hàng trợ giá giống cây lương thực cho các đơn vị và địa phương năm 2009 thì vụ mùa và vụ đông năm nay tỉnh trích trên 2,4 tỷ đồng từ ngân sách để trợ giá cho 175,326 tấn giống cây lương thực. Trong đó Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên cung ứng 75,17 tấn lúa lai, 50 tấn ngô lai; Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên cung ứng trên 50 tấn lúa lai. Có mặt tại Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện Đại Từ vào đúng thời điểm Chi nhánh đang triển khai cung ứng các mặt hàng chính sách vụ mùa năm nay tới người dân, ông Hà Văn Quý, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Đối với mặt hàng phân bón, Chi nhánh cung ứng theo hình thức đầu tư ứng trước (giá bán lẻ có trợ cước vận chuyển cộng với lãi suất tiền vay ngân hàng 5 tháng) thông qua UBND các xã, thị trấn triển khai đến các xóm. Theo bản danh sách các hộ dân đăng ký số lượng qua Hội Nông dân, Chi nhánh vận chuyển phân bón đến trung tâm xóm cung ứng và lập danh sách từng hộ mua theo quy định. Đối với giống cây lương thực, Chi nhánh  giao đủ số lượng và chủng loại cho Trạm Khuyến nông huyện từ đó triển khai tới nông dân.

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Hàng năm, huyện được 2 đơn vị cung ứng mặt hàng trợ giá giống cây lương thực là Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên và Trung tâm giống cây trồng Thái Nguyên. Theo Quyết định phân bổ của tỉnh, vụ mùa và vụ đông năm nay chúng tôi có 35,600 tấn giống cây lương thực được trợ giá 15 nghìn đồng/kg. Để khuyến khích người dân đưa giống mới vào gieo trồng, huyện Đại Từ cũng trích ngân sách trợ giá tiếp 7 nghìn đồng/kg lúa lai. Vì vậy thực tế người dân chỉ phải trả 30.500 đồng/kg Bồi tạp 49, Bồi tạp Sơn Thanh; 28 nghìn đồng/kg Thục Hưng 6; 34.500 đồng/kg SYN 6… Sau khi 2 đơn vị cung ứng giao đủ số lượng, chủng loại, UBND huyện giao cho Trạm Khuyến nông huyện cung ứng toàn bộ mặt hàng này tới các xã, thị trấn. Trạm Khuyến nông huyện thông qua hệ thống khuyến nông cơ sở, phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai kế hoạch đến các xóm để các hộ dân đăng ký số lượng, chủng loại và nộp tiền đối ứng trước (phần kinh phí người dân phải trả). Rồi Trạm Khuyến nông huyện tổng hợp, phối hợp với các đơn vị cung ứng để triển khai tới các hộ dân thông qua trưởng xóm, lập hồ sơ theo quy định.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đình Bốn, xóm Gò Gia, xã Khôi Kỳ cho hay: Ở đây người dân được thông báo về chính sách trợ giá, trợ cước của tỉnh thông qua hệ thống loa công cộng của xóm và thông báo ở nhà văn hóa xóm cụ thể về mặt hàng giống cây lương thực và phân bón. Tiếp đó, chúng tôi đăng ký, nộp tiền và nhận giống lúa lai, ngô lai qua trưởng xóm, trong danh sách có ghi rõ số lượng, chủng loại và số tiền phải trả, được ký vào danh sách theo quy định.

 

Tại huyện Phú Lương thì cách thức cung ứng các mặt hàng chính sách lại được thực hiện hoàn toàn khác. Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện thì cung ứng mặt hàng phân bón thông qua UBND các xã, thị trấn, các xã, thị trấn giao lại cho Hội Nông dân cung ứng tới người dân; mặt hàng giống cây lương thực thì Chi nhánh cung ứng cho các cửa hàng, đại lý của Chi nhánh tại các xã, thị trấn để bán cho nông dân. Còn mặt hàng chính sách do Trung tâm giống cây trồng Thái Nguyên thì chỉ được phân phối tại các cửa hàng, đại lý của Trung tâm. Đi thực tế tại một số của hàng, đại lý trên địa bàn huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy: phần lớn các đại lý, cửa hàng này nhập chung hàng trợ giá với hàng kinh doanh của mình; tuy có biển hiệu niêm yết giá công khai nhưng bảng giá còn ghi lẫn mặt hàng được trợ giá, trợ cước với hàng kinh doanh; mặt hàng phân bón có bán nhưng không lập hồ sơ, không ghi rõ địa chỉ người mua…

 

Qua tìm hiểu một số hộ dân xóm Thanh Thế, xã Yên Đổ được biết: vụ mùa này các gia đình bà Nguyễn Thị Sinh mua 4 kg lúa lai, ông Trịnh Quang Định mua 3 kg lúa lai, ông Nguyễn Văn Ngọc mua 4 kg lúa lai đều là giống Bồi tạp 49 với giá 45 nghìn đồng/kg ở thị trấn Đu. Khi được hỏi: - Các bác có được biết về chính sách trợ giá, trợ cước của tỉnh đối với một số giống lúa lai không? Thì các hộ trả lời có được Trưởng xóm thông báo về chính sách trợ giá, trợ cước nhưng không biết cụ thể mức trợ giá và chủng loại giống lúa lai, ngô lai được trợ giá, vì vậy để kịp thời vụ các hộ này tìm mua tự do ở Thị trấn Đu, đắt hơn 8.500 đồng/kg so với hàng chính sách.

 

Tại Thành phố Thái Nguyên, do đây là địa bàn có nhiều cửa hàng, đại lý thực hiện nghiêm túc các quy định về kho bãi, biển hiệu, bảng giá, hợp đồng đại lý nên chính quyền địa phương chủ trương chỉ tuyên truyền giá bán cho người nông dân chứ không cung ứng qua UBND xã, phường, hay tổ chức đoàn thể nào.

 

Mỗi địa phương có một cách làm khác về thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước tới người nông dân, tuy nhiên, theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Thái, Phó trưởng Ban Dân tộc UBND tỉnh thì: Cách làm của huyện Đại Từ là hiệu quả nhất vì người dân nắm rõ giá cả các mặt hàng chính sách; cán bộ kỹ thuật còn tư vấn cho nông dân về lượng thóc giống, phân bón thế nào là cần và đủ; theo cách làm của Thành phố Thái Nguyên thì dân cấy bao nhiêu diện tích là giống lúa mới chính quyền địa phương không nắm được; còn cách làm của huyện Phú Lương cần xem xét lại do chưa có sự phối hợp của các đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách. Mặc dù chính quyền địa phương có thông báo chủng loại, số lượng, mức trợ giá, trợ cước mặt hàng giống cây lương thực và phân bón theo hình thức đầu tư ứng trước nhưng người dân chưa nắm được mức trợ giá, trợ cước các mặt hàng chính sách là bao nhiêu. Một chính sách lớn nhưng được thực hiện như thế thì e rằng sẽ lại là một câu chuyện về thất thoát ngân sách, người dân thì không được hưởng chính sách ưu tiên còn ngân sách tỉnh cấp cho công tác này lại không được sử dụng hết.

 

Vì vậy, để người dân được thụ hưởng những chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nắm được các chính sách Nhà nước ưu đãi cho dân được hưởng (đặc biệt là cấp xóm); đơn vị cung ứng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thông báo số lượng, chủng loại giống, vật tư phân bón thuộc các mặt hàng chính sách; UBND các huyện chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường và chủ động công tác kiểm tra, giám sát các mặt hàng chính sách thực hiện trên địa bàn… Đặc biệt, tỉnh cũng cần tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp nhân dân có điều kiện tiếp cận với kiến thức về khoa học, kỹ thuật, tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch và kinh tế trang trại góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo...